TP.HCM: Siết chặt pháp lý, doanh nghiệp bất động sản đổ dồn về tỉnh

Bất động sản - Ngày đăng : 16:27, 26/10/2019

(TN&MT) - Sau thời gian “ngủ đông”, thị trường bất động sản (BĐS) ở TP.HCM đã dần nóng lên từ năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ phát triển chưa kịp ổn định thì sang năm 2019, thị trường địa ốc tại khu vực đông dân nhất cả nước đã có dấu hiệu chững lại.

Quy trình pháp lý tại TP.HCM bị thắt chặt, doanh nghiệp BĐS đổ dồn về các tỉnh làm dự án

Quan sát cho thấy, nếu như cùng thời điểm các năm từ 2016 - 2017, các doanh nghiệp địa ốc, sàn môi giới đã rầm rộ chào dự án mới để tung ra các sản phẩm đất nền, căn hộ để khách hàng mua đón Tết Nguyên đán. Thì thực tế hiện nay, đã bắt đầu sang quý 4/2019 nhưng rất ít dự án BĐS được tung ra thị trường tại TP.HCM.

Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho biết, năm 2018, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại và đi xuống, khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân một phần do TP.HCM đang siết chặt pháp lý, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án kéo dài quá lâu, trong khi đó, lãi xuất vay vốn ngân hàng cũng bị ràng buộc.

Báo cáo thị trường quý 3/2019 của các đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS như: Savills Việt Nam, DKRA Việt Nam, CBRE Việt Nam cho thấy, nguồn cung phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP.HCM tiếp tục khan hiếm trong quý. Thị trường tiếp nhận 220 sản phẩm nhà phố, biệt thự mới, giảm 65% theo quý và 62% theo năm, mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.

Theo số liệu khảo sát DKRA Việt Nam, toàn thị trường có 1 dự án đáng chú ý được mở bán, số lượng nguồn cung mới 30 căn, chỉ bằng 8% so với quý 2 và bằng 83% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 67% nguồn cung mới (khoảng 20 căn), bằng 7% so với quý 2. Lý do được các đơn vị nghiên cứu đưa ra là do quỹ đất hạn hẹp và quy trình pháp lý bị thắt chặt là nguyên nhân chính khiến nguồn cung mới hạn hẹp. 

Từ những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư ở TP.HCM bắt đầu đổ về các vùng lân cận như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận,… để tìm kiếm quỹ đất phát triển dự án. Kéo theo đó là những dự án đất nền, sinh thái và du lịch đã thi nhau mọc lên từ những khu đất trống, cánh đồng hoang sơ và đã thu hút một lượng lớn khách hàng từ các tỉnh thành tham gia giao dịch.

Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, gần đây, Sở Xây dựng và UBND TP.HCM cẩn trọng hơn trong việc phê duyệt dự án chung cư. Do đó, doanh nghiệp BĐS chạy qua các tỉnh lân cận kinh doanh, họ chủ yếu là phân lô bán nền, chỉ cần có 1/500 là họ huy động vốn, thu nguồn vốn đầu tư nhanh hơn. 

Còn tại TP.HCM, phân khúc chủ yếu là chung cư cao cấp, khách hàng mua không có nhu cầu ở thật. Điều nghịch lý là dòng sản phẩm vừa túi tiền cho người thu nhập thấp đang hấp thu tốt nhưng nguồn cung lại thiếu trầm trọng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định, năm 2019 có tổng nguồn cung BĐS giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn thị trường BĐS TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong năm nay, khả năng có rất nhiều doanh nghiệp không thể trụ lại thị trường trong thời gian tới. 

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với doanh nghiệp BĐS thường niên 2019, các doanh nghiệp kiến nghị nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình xây dựng và bán sản phẩm. Theo đó, vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là có những chính sách chồng chéo, dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm, còn công tác tính tiền sử dụng đất dự án BĐS đều bị chậm trễ.

Hiện nay, TP.HCM đang có hơn 100 dự án BĐS bị “đóng băng” chờ rà soát, thanh tra. Vì vậy, quá trình thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp về chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Điều này dẫn đến số lượng dự án đưa ra thị trường bị sụt giảm, bất lợi cho người mua nhà về việc lựa chọn sản phẩm ưng ý, nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng giảm đáng kể.

Thục Vy