Lào Cai: Giải bài toán quản lý chất thải rắn

Môi trường - Ngày đăng : 13:16, 26/10/2019

(TN&MT) - Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát sinh 460 tấn rác thải, thế nhưng toàn tỉnh mới chỉ có 1 nhà máy xử lý rác thải với công xuất 174 tấn rác thải/ngày. Số rác còn lại được xử lý theo hình thức chôn lấp là chủ yếu dẫn đến nguy cơ quá tải và ô nhiễm môi trường.

Đau đầu với khối lượng rác thải khổng lồ

Theo thống kê, khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh và thu gom trên địa bàn tỉnh Lào Cai trung bình khoảng 460 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị là khoảng 214 tấn/ ngày, khu vực nông thôn khoảng trên 220 tấn/ngày. Đối với rác thải rắn công nghiệp thông thường, khối lượng phát sinh từ các khu công nghiệp là 3,9 triệu tấn/năm.

Đối với khu vực nông thôn, vấn đề phân loại rác không được chú trọng thực hiện, các khu vực không thực hiện phân loại rác tập trung tại các chợ trung tâm, khu vực công cộng, ngõ xóm hẹp xe thu gom rác không vào được gây ô nhiễm và mất mỹ quan.

Rác thải rắn trong xây dựng được người dân ngang nhiên đổ tại chân cầu Phố Mới đoạn trên phố Phạm Văn Xảo (Phố Mới, Lào Cai) gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đường phố.

Với rác thải xây dựng, do đang trong quá trình đầu tư phát triển các khu đô thị nên tình trạng đổ rác thải xây dựng bừa bãi, tràn lan trên địa bàn thành phố cũng đang gây bức xúc trong nhân dân, trong khi việc xử lý vừa khó, vừa thiếu chế tài. Các địa phương không hề có quy hoạch khu vực đổ và xử lý rác thải xây dựng, trong khi mỗi ngày hàng nghìn khối rác thải xây dựng bị đổ trộm ở các bãi đất trống gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Chủ công trình xây dựng chỉ thuê người chở vôi thầu, gạch vỡ khỏi công trình mà không cần quan tâm họ đổ đi đâu.

Đối với chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Lào Cai sử dụng khoảng 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, tập trung chủ yếu tại các vùng sản xuất cây nông nghiệp như lúa, chuối, dứa, ngô,... Số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh khoảng 20 tấn/năm.

Người dân thường lợi dụng những bãi đất trống để đổ rác thải rắn trong sinh hoạt hàng ngày và rác thải sau kinh doanh

Ngoài ra, là một tỉnh có đặc thù về công nghiệp, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 3,9 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại KCN Tằng Loỏng (khoảng 3,8 triệu tấn/năm) còn lại là khoảng 1 triệu tấn tại các khu công nghiệp như: KCN Đông Phố Mới, KCN Bắc Duyên Hải và khu Thương mại – Công nghiệp Kim Thành.

Tìm hướng giải quyết cho vấn nạn quá tải rác thải rắn

Để giải bài toán đầu ra cho rác thải rắn, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Nhà máy xử lý rác thải với công suất 174 tấn/ngày và đưa vào hoạt động bãi chôn lấp rác thải với diện tích 2,2ha và có công xuất 70 tấn/ngày tại xã Đồng Tuyển. Cải tạo các khu chôn lấp rác của các huyện: xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), xã Yên Sơn (huyện Bảo Yên), xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà), xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai). Duy trì hoạt động các bãi chôn lấp hiện có tại các địa phương.

Dù đã có biển cấm nhưng người dân vẫn cứ vô tư đổ rác thải xây dựng ra ven đường gây mất mỹ quan đường phố.

Đối với rác thải rắn sinh hoạt đô thị thì tỉnh triển khai các đề án phân loại rác tại nguồn nhằm đảm bảo công suất tối đa cho Nhà máy xử lý rác. Tại các huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp hợp vệ sinh, rác thải tại các khu vực trung tâm, vùng thấp được thu gom, xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với rác thải nông thôn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đầu tư xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt nằm trên địa bàn 18 xã với công suất khoảng 0,1 tấn/ngày. Một số khu vực vùng cao, dân cư thưa thớt người dân tự thu gom xử lý rác. Rác hữu cơ tận dụng cho chăn nuôi và ủ phân, rác vô cơ được đào hố chôn lấp và đốt thủ công. Đối với chất thải từ thuốc bảo vệ thực vật thì xây dựng các hố đựng rác thải tập trung và thu gom xử lý theo từng đợt để xử lý.

Về chất thải rắn công nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định chủ trương cho Công ty cổ phần dịch vụ xử lý môi trường xanh Việt Sơn đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại KCN Tằng Loỏng huyện Bảo Thắng.

Về chất thải rắn trong xây dựng, tỉnh đang giao Sở Giao thông vận tải – Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa khảo sát vị trí, xác định quy mô xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng.

Theo Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai, hiện tại tỉnh Lào Cai đang rất nỗ lực trong việc xử lý rác thải rắn bằng việc: Ban hành chính sách quản lý rác thải tại địa phương;Tổ chức bộ máy quản lý từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; tăng nguồn nhân lực và tài chính cho quản lý rác thải; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị cho xử lý rác thải; Tuyên truyền, phổ biến giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân và doanh nghiệp về quản lý rác thải rắn và bảo vệ môi trường; Thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý rác thải.

Với đặc thù về công nghiệp tỉnh Lào Cai cần có một chế tài đặc biệt trong quản lý và xử lý liên quan tới rác thải rắn trong công nghiệp.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu 100% lượng rác thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy và các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các huyện hoạt động kém hiệu quả được cải tạo, xử lý. Có như vậy bài toán quản lý rác thải rắn mới được giải quyết triệt để, nó không còn là gánh nặng đè nên môi trường sống của người dân.

Bích Hợp