Sinh viên Hà Lan nghiên cứu về chất lượng nước sông, hồ ở Hà Nội

Môi trường - Ngày đăng : 21:19, 25/10/2019

(TN&MT) - Chiều 25/10, tại trường Đại học TN&MT Hà Nội (HUNRE), nhóm sinh viên của trường Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan (TU Delft) thực tập nghiên cứu tại HUNRE đã có buổi báo cáo kết thúc nghiên cứu của nhóm về đánh giá chất lượng nước sông, hồ ở Hà Nội.
Oscar Keunen, sinh viên năm 1 của trường Đại học Công nghệ Delft, trưởng nhóm báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm

Oscar Keunen, sinh viên năm 1 của trường Đại học Công nghệ Delft, trưởng nhóm báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm

Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm, Oscar Keunen, sinh viên năm 1 của trường Đại học Công nghệ Delft, trưởng nhóm cho biết: Nghiên cứu tập trung vào tính khả thi của việc làm sạch sông Tô Lịch bằng việc chuyển nước từ sông Hồng qua hồ Tây rồi chuyển vào sông Tô Lịch. Nhóm sinh viên quan tâm tới chất lượng nước, phù sa và thủy lực để xem nếu có những dòng chảy chuyển từ sông Hồng vào hồ Tây thì có ảnh hưởng gì tới cân bằng sinh thái ở hồ Tây hay không và đổ nước vào thì sông Tô Lịch có sạch không. Nghiên cứu cũng tính toán thủy lực để xem xét chuyển bao nhiêu nước ở sông Hồng vào hồ Tây thì đảm bảo.

Ngoài ra, nhóm sinh viên cũng nghiên cứu bơm có công suất bao nhiêu, bơm trong bao nhiêu ngày, bơm vào những thời điểm nào thì hợp lý; chất lượng nước có cải thiện hay không…

Theo trưởng nhóm, để đưa ra kết luận, cần nghiên cứu cả thủy lực, chất lượng nước, phù sa bởi sông Hồng có lượng phù sa lớn.

Giảng viên và sinh viên hai trường chụp ảnh lưu niệm

Nhóm sinh viên hy vọng, kết quả nghiên cứu được phổ biến, đặc biệt là giúp các nhà hoạch định chính sách biết được về mặt lý thuyết và về mặt nghiên cứu khoa học họ có thể làm được những điều này.

Chia sẻ bên lề với PV Báo TN&MT, trưởng nhóm nghiên cứu mong muốn có nhiều nghiên cứu hơn nữa về 3 khu vực: sông Hồng, hồ Tây và sông Tô Lịch vì nghiên cứu của nhóm sinh viên hoàn toàn khả thi về mặt thủy lực, chất lượng nước và cho thấy bùn cát, chất lượng nước đã bỏ qua tương tác về mặt hóa học.

“Các nghiên cứu tiếp theo cần tập trung vào thiết kế mối tương tác về mặt hóa học giữa các thành phần vật chất ở ba sông: sông Hồng, hồ Tây và sông Tô Lịch. Không chỉ đơn giản là xem xét quá trình lan truyền khuếch tán về mặt vật lý, mà các thành phần vật chất còn tương tác với nhau, nên nó sẽ thay đổi nồng độ sau một khoảng thời gian nhất định” - Oscar Keunen đề xuất.

Hoạt động thực tập nghiên cứu của nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan là một trong những hoạt động thể hiện sự hợp tác trong giáo dục đại học về quản lý tài nguyên nước giữa hai trường (Đại học Công nghệ Delft và Đại học TN&MT Hà Nội) trong khuôn khổ dự án OKP “Khí hậu Việt Nam - Hợp tác cùng nhau giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng của Việt Nam”. Dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ, thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021.

Mai Đan