Bộ TN&MT giúp Đắk Nông “gỡ khó” trong quản lý TN&MT
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:18, 25/10/2019
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ TN&MT, có đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước…Về phía UBND tỉnh Đắk Nông, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cùng lãnh đạo các Sở: TN&MT, Công Thương, Tài chính…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (bên phải) chủ trì cuộc họp |
Ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, chủ trương của tỉnh là thúc đẩy đầu tư để tạo cơ sở cho phát triển kinh tế, phát huy nguồn lực tài nguyên, đồng thời bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh đang gặp một số bất cập trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường. Bởi vậy, Đắk Nông cần sự hỗ trợ của Bộ TN&MT để gỡ vướng về chính sách liên quan đến các lĩnh vực này.
Ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu |
Theo trình bày của ông Đàm Quang Trung – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, về công tác quản lý tài nguyên đất, tỉnh gặp vướng mắc trong việc thực hiện các dự án ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Việc thực hiện sắp xếp các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa cũng gặp khó khi có quy định khác biệt về cùng đối tượng là đất sạch (cơ sở nhà đất của nhà nước thu hồi sắp xếp lại), nếu áp dụng Luật Đất đai 2013 thì phải đấu giá quyền sử dụng đất, người trúng đấu giá không được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Nếu áp dụng Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ thì doanh nghiệp được Nhà nước giao đất sạch và được miễn giảm tiền sử dụng đất.
Đắk Nông cũng đang băn khoăn về việc chuyển mục đích từ đất trồng cây lâu năm sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bởi chưa có quy định trong Luật. Cùng với đó, theo Luật Quy hoạch 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, thế nhưng, lại chưa có hướng dẫn cụ thể việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2020 – 2030. Ngoài ra, tỉnh cũng lúng túng đối với việc xử lý tài sản trên đất của các dự án đầu tư khi thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Ông Đàm Quang Trung - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông phát biểu |
Trong lĩnh vực khoáng sản, ông Đàm Quang Trung kiến nghị, Bộ TN&MT có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc giữa Luật Đất đai và Luật Khoáng sản để giải quyết việc cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không khai thác được do không thể thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình đang có quyền sử dụng đất nằm trên diện tích mỏ.
Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể đối với việc phát hiện bazan dạng trụ trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Liên quan đến khai thác quặng bauxite, lãnh đạo Sở TN&MT cho hay, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 13 mỏ, tổng diện tích khoảng 192.587 ha. Vì thời gian để tiến hành cấp phép cũng như bắt đầu khai thác cho các mỏ rất dài, tại các vị trí xây dựng các công trình kiên cố của dự án phải có phương án xử lý khoáng sản trước khi thực hiện việc xây dựng, quy định này ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. “Do vậy, địa phương đề nghị Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn để có thể triển khai một số dự án đầu tư công trình xây dựng trên diện tích mỏ đã được thăm dò trước khi khai thác bauxite”, ông Đàm Quang Trung nói.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy Alumin Nhân Cơ, lãnh đạo Sở TN&MT kiến nghị, Bộ TN&MT xem xét phương án điều chỉnh lại Đề án cải tạo phục hồi môi trường theo hướng khai thác xong hoàn thổ và trả đất cho địa phương quản lý sử dụng cho các mục đích khác như xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, thay vì quy định theo đề án là trồng cây keo, gây lãng phí đất đai.
Trước những vướng mắc của Đắk Nông về quản lý đất đai, ông Đào Trung Chính – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý cho biết, việc sắp xếp các cơ sở, sự nghiệp công lập được thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công. Bộ cũng đang nghiên cứu bổ sung thêm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây lâu năm sang đất khác. Về việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Bộ TN&MT đang tiến hành khẩn trương việc xây dựng và ban hành hướng dẫn cho các địa phương. Tổng cục cũng sẽ nghiên cứu hướng dẫn để làm rõ việc xử lý tài sản trên đất khi thu hồi đất.
Về lĩnh vực khoáng sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên phân tích: Theo quy định của Luật, trong quá trình khai thác, khi phát hiện loại khoáng sản mới, địa phương phải báo cáo bằng văn bản cụ thể tới Bộ TN&MT. Tùy quy mô, Bộ sẽ có ý kiến hướng dẫn xử lý.
Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tháo gỡ vướng mắc về lĩnh vực môi trường cho tỉnh |
Trong việc bảo vệ môi trường ở Nhà máy Alumin Nhân Cơ, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, chủ đầu tư cần phối hợp với tỉnh đề xuất xây dựng lại phương án phục hồi môi trường sau khai thác, đảm bảo phát huy lợi ích từ đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. “Nhà máy cũng cần tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa bùn đỏ, nhất là trong mùa mưa bão. TKV cũng cần xử lý việc gây tiếng ồn, bụi trong quá trình vận hành nhà máy”, ông Thức yêu cầu.
Toàn cảnh cuộc họp |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT sẽ có các hướng dẫn cụ thể để giúp Đắk Nông giải quyết các vướng mắc trong quản lý TN&MT tại địa phương.
“Quan điểm nhất quán là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Việc quản lý phải thực hiện nghiêm túc, bài bản, phát huy giá trị từ đất đai và các tài nguyên khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng đồng thời đảm bảo an sinh, an toàn cho cuộc sống người dân”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.