Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thời sự - Ngày đăng : 14:52, 25/10/2019

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sáng 25/10, trước khi thảo luận tại Hội trường, Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo sáng 25/10. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 456/BC-UBTVQH14 ngày 17/10/2019 gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để có thể đáp ứng hết được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ.

Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với những nội dung khác được đề cập trong Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trên đây thì sẽ được nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản, chương trình, đề án khác và triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương và tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để bổ sung khi sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.

Toàn cảnh phiên họp sáng 25/10. Ảnh:daibieunhandan.vn

 

Do đó, việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ (như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành) mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và trên cơ sở chỉnh lý dự thảo Luật do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại khoản 1 Điều 4; Điều 44 và Điều 58 về chính quyền địa phương ở quận và phường; khoản 2 Điều 72 về chính quyền địa phương ở hải đảo và Điều 75 về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và sẽ tạo độ linh hoạt, mềm dẻo trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các loại đơn vị hành chính, tránh tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các địa phương.

Quy định như dự thảo Luật vừa nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết số 18-NQ/TW, vừa tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội tiến hành thí điểm mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp ở những nơi có đủ điều kiện.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng hội đồng nhân dân, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì vậy, nếu Luật Tổ chức chính quyền địa phương không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 03 Văn phòng. Và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này...

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, rà soát về ngôn ngữ đối với các quy định trong dự thảo Luật.

Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề như: việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính; quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương…

ĐB Võ Thị Như Hoa cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay phân định thẩm quyền tập thể và cá nhân còn rất chung chung, có tính chất nguyên tắc và theo một nhóm lĩnh vực quản lý Nhà nước. Do vậy, khi ban hành luật, nghị định hay thông tư thì không có tiêu chí phân định thiết kế thẩm quyền cá nhân giữa UBND và Chủ tịch UBND. Trong thực tế, việc này thường hay quy định trao quyền cho tập thể, tức là UBND cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm cá nhân, hội họp nhiều, mất thời gian...

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Võ Thị Như Hoa đề nghị, để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc phân quyền theo hướng tập thể UBND chỉ quyết định những vấn đề lớn, đa ngành, những vấn đề cần giải trình HĐND và Chính phủ.

Những vấn đề cụ thể, chuyên ngành thì trao quyền cá nhân đó là Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND quyết định. HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc sử dụng quyền lực của UBND thông qua hoạt động giám sát thường xuyên. Có như vậy, hoạt động của cơ quan hành chính mới nhanh chóng, kịp thời, phát huy được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ các cấp hành chính. Nếu có nguyên tắc này thì khi xây dựng luật, nghị định hay thông tư thì quy định về phân cấp, trao quyền cho địa phương sẽ có sự thống nhất hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn và hạn chế được sự tuỳ tiện trong trao quyền phân cấp trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Còn đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát và quy định cụ thể hơn về nội dung phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền đầy đủ hơn, tránh sự chồng chéo trong phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo Luật nên quy định thẩm quyền giải trình của Ban HĐND, ít ra là Ban HĐND cấp tỉnh, bởi trên thực tế Ban HĐND có thẩm quyền rất lớn, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương, những vấn đề phát sinh tại địa phương, không nhất thiết HĐND đứng ra tổ chức giải trình mà giao các Ban tổ chức giải trình là hiệu quả. Lấy dẫn chứng từ thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hồ Chí Minh, Trần Thị Quyết Tâm cho biết, để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, HĐND thành phố giao cho Trưởng ban HĐND kiêm Ủy viên Thường trực HĐND chủ tri phiên giải trình về nội dung mà Trưởng ban đó phụ trách. Thực hiện như vậy vừa bảo đảm hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như dự thảo Luật.

Tán thành với việc giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, việc bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để thực hiện thí điểm trong phạm vi một hoặc một số Bộ, ngành, địa phương, sau đó rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng là cần thiết, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành…

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật trong các bản tin tiếp theo

Việt Hùng - Khương Trung