Trăn trở thực trạng Bạch Long Vĩ

Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 25/10/2019

(TN&MT) - Nằm trong hệ thống nhóm đảo tiền tiêu của tổ quốc,  Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất, là một  trong tám ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ. Huyện đảo Bạch Long Vĩ là Huyện nhỏ nhất trực thuộc thành phố Hải Phòng và cách đất liền khoảng 133 km. Dẫu chỉ là một hòn đảo nhỏ vỏn vẹn 2.5 km vuông nằm ngoài khơi, nhưng đảo Bạch Long Vĩ lại là vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế - xã hội.

Mặc dù đã được Chính phủ và thành phố Hải Phòng quan tâm đầu tư đặc biệt, định hướng trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc, nhưng thực trạng các công trình trọng điểm trên đảo đang dở dang, chưa mang lại hiệu quả, ô nhiễm môi trường, xây dựng lộn xộn .. làm cho mục tiêu, định hướng còn rất xa vời.

Thiếu điện 

Một thương buôn trên đảo ngán ngẩm chia sẻ: Chúng tôi đã sinh sống trên đảo gần 20 năm, hải sản trên đảo rất phong phú, có giá trị cao so với các vùng khác nhưng hiện nay gặp khó vì điện không đủ công suất, điện vừa thiếu, chập chờn. Hải sản đánh bắt về, nếu không đủ điện để chạy máy cấp đông chờ chuyển bán cho khách thì làm sao giữ được chất lượng...

Công trình hồ giữ nước ngọt dở dang, phần bê tông đáy chống thấm mới thi công một phần. Đã qua mùa mưa nhưng không có nước.

 

Ổn định nguồn cung điện là điều không thể thiếu trong ổn định cuộc sống người dân trên đảo cũng như trong hậu cần nghề cá.  Được biết, để đảm bảo cung cấp điện liên tục 24/24h cho sinh hoạt, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng trên đảo,  Bộ Công Thương đã phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 11760/QĐ-BCT ngày 29/10/2015 và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi theo Quyết định số 11816/QĐ-BCT ngày 30/11/2015 với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp: Gió + Mặt trời + Diesel + Lưu trữ năng lượng. Cụ thể: Lắp đặt 04 tua bin điện gió, mỗi tua bin công suất 250kVA; lắp đặt các tấm pin mặt trời với tổng công suất 500KWP; lắp đặt 02 máy phát Diesel, tổng công suất 2MVA; lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng điện năng sử dụng ắc quy kết hợp bộ Inverter nối lưới, tổng dung lượng năng lượng điện năng lưu trữ 7,48MWh; lắp đặt hệ thống điều khiển, giám sát. Tuy vậy, cho đến nay, không thấy bóng dáng của điện gió, điện mặt trời, cả huyện đảo Bạch Long Vĩ đang được cung cấp điện bằng 02 tổ máy phát Diezen chạy thay phiên 16 giờ mỗi ngày.

Trái đắng khi giữ nước ngọt

Điện đã thiếu, nước ngọt lại càng thiếu hơn. Ngày 02/3/2015, tại Huyện đảo Bạch Long Vĩ, Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức khởi công xây dựng công trình Hồ chứa nước ngọt thuộc Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho Đảo Bạch Long Vĩ. Dự án do Liên danh Nhà thầu Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng và công ty Haco đảm nhiệm.

Công nhân đang đúc bê tông cấu kiện thủ công tại nhánh 1, Âu cảng phía Tây Bắc.

Đàn bò đang tìm kiếm thức ăn trên bãi rác ven đảo Bạch Long Vĩ.

Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho Đảo Bạch Long Vĩ do Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng làm chủ đầu tư, với quy mô xây dựng hồ chứa nước dung tích 60.000 m3, hệ thống tràn xả thừa với tổng mức đầu tư hơn 188 tỷ đồng. Đây là công trình dân sinh có ý nghĩa quan trọng, được phê duyệt theo Quyết định số 186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013 – 2020, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nước sinh hoạt cho quân và dân trên đảo.

Anh Thắng, một người dân sinh sống lâu năm trên đảo cho biết, trước đây khu vực xây hồ này cây cối xanh tốt, rất nhiều chim về cư trú, sau khi khởi công công trình, cây cối xung quanh không sống được do thiếu nước vì nước chảy chỗ trũng, mưa bao nhiêu quanh khu vực này chảy cả xuống hồ. Cũng không thấy bóng dáng chim về do không còn cây cối, dự án lại không đem lại hiệu quả như mong đợi, bây giờ đã qua mùa mưa mà dưới hồ không có lấy một vũng nước, thật quá lãng phí. Khởi công đình đám nhưng đến nay, công trình được đầu tư hàng trăm tỉ đồng vẫn chưa hoàn thiện do... thiếu vốn, bên cạnh đó có nhiều ý kiến cho rằng không hiệu quả và thiếu đánh giá khoa học khi quyết định đầu tư dự án.  

Xây dựng tràn lan, không quy hoạch.

Nhìn nhận về việc đầu tư hồ trữ nước, Anh Nguyễn Quốc Khanh – Một kĩ sư về môi trường nêu quan điểm, tốc độ gió tại Vịnh Bắc bộ nói chung và tại đảo Bạch Long Vĩ trung bình khoảng 6m/s, mạnh nhất có thể lên tới 24m/s. Với tốc độ gió như vậy sẽ tạo áp suất chênh lệch trong khi bề mặt thoáng của công trình hàng ngàn mét vuông sẽ làm nước bốc hơi rất nhanh. Nhẽ ra không cần làm hồ rộng đến như vậy mà nên làm nhỏ hơn, có mái để tránh nước bốc hơi, bên cạnh đó cần đầu tư làm chống thấm tốt để tránh xâm mặn.

Ì ạch Âu cảng phía Tây Bắc.

Ông Trần Quang Tường - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết, đảo Bạch Long Vĩ được chính phủ và thành phố đầu tư 02 Âu cảng cho mục tiêu trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc. Đến nay Âu cảng phía Tây Nam đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hàng chục ngàn lượt neo đậu mỗi năm, là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm tàu tuyền mỗi khi trời chuyển gió mùa. Hiện tại Âu cảng phía Tây Nam đã được chấp thuận đầu tư nâng cấp để tàu thuyền có thể neo đậu tránh bão. Âu cảng phía Tây Bắc của đảo vẫn trong thời gian thi công.

Theo ghi nhận, Âu cảng phía Tây Bắc đang ì ạch thi công với lượng công nhân ít ỏi (4-5 người), trộn bê tông bằng tay. Thời gian thi công đã hơn 5 năm nhưng cho đến nay vẫn công trình mới đang đổ cấu kiện bê tông để thi công nhánh một, chưa đổ bê tông mái đê chắn sóng...

Những cấu kiện bê tông nằm chờ đã khoác lên mình tấm áo xanh.

Trao đổi với phóng viên, Ông Phạm Văn Tiệp – Cựu Phó Tham Mưu Trưởng  - Ban CHQS Bạch Long Vĩ, một người có kinh nghiệm lâu năm trong xây dựng cho rằng, trong điều kiện sóng biển cao như vậy, đổ trộn bê tông thủ công bằng tay ngay tại Âu sẽ kéo dài thời gian thực hiện, nguy cơ nhiễm mặn vào bê tông rất cao, phá hủy bê tông từ bên trong, giảm tuổi thọ bê tông.

Được biết, dự án Cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ được UBND Thành phố Hải Phòng phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 560 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển Đông - hải đảo và chương trình đầu tư các khu neo đậu, tránh trú bão cho các tàu cá.

Cần quan tâm bảo vệ môi trường Đảo

Thu hút người dân, nhà đầu tư bám đảo là kế sách hàng đầu cho mọi mục tiêu, cho đến nay, đã có 09 đợt tuyển dân ra đảo, toàn huyện hiện có 242 hộ dân, các hộ đều có công ăn việc làm ổn định, không có hộ nghèo, đã có nhiều đôi nam nữ xây dựng gia đình tại đảo, có hơn 100 em sinh ra và lớn lên tại đảo, 08 em được tuyển vào làm việc tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp tại huyện.  

Rác thải nhựa tràn ngập bãi biển.

Với tài nguyên nguồn lợi biển phong phú tại đảo Bạch Long Vĩ, quả thực việc không có hộ nghèo là điều dễ hiểu, việc kiếm kế sinh  nhai, phát triển sự nghiệp trên đảo không khó, tuy vậy theo ông Phạm Văn Tiệp – hầu hết các hộ dân đều chỉ coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2, nhà nào cũng có nhà trong đất liền. Hiện nay Huyện chưa có chủ trương cấp GCN quyền sự dụng đất cho các hộ nên việc đầu tư trên Huyện rất manh mún.

Trong Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí, Ông Trần Quang Tường, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ thể hiện quyết tâm, ngoài mục tiêu trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc, huyện sẽ tập trung phát triển du lịch, đầu tư đóng tàu mới để rút ngắn thời gian di chuyển từ đất liền ra đảo từ 7 h xuống 3 h. Với mục tiêu vậy thì đáng nhẽ ra môi trường sống; kiến trúc xây dựng, quy hoạch cần phải được quan tâm nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng quản lý xây dựng trên đảo đang rất lộn xộn, không có quy hoạch chi tiết. Dân số lên đến hàng ngàn người, chưa kể khách du lịch, các tàu cá nhưng huyện chưa đầu tư hệ thống xử lý rác thải tập trung dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.

Đảo Bạch Long Vĩ có bãi biển đẹp, tài nguyên sinh vật biển phong phú, vị trí quan trọng chiến lược, song với những công trình trọng điểm ì ạch, thiếu nước, thiếu điện, ô nhiễm môi trường, người dân không xác định bám đảo lâu dài... là thực trạng, có lẽ cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn của Chính phủ, thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó mỗi sự đầu tư cần tham vấn, sử dụng chất xám của các nhà khoa học để đều đem lại hiệu quả thiết thực nhất, giúp Bạch Long Vĩ sớm hoàn thành mục tiêu.

                                                                                                                   

 

    Phạm Duy