Tìm phải pháp tăng tính chống chịu khí hậu đối với các đô thị miền Trung

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:01, 24/10/2019

(TN&MT) - Chiều 24/10 tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Đại học Humboldt tại Berlin (HUB, CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khởi động dự án nghiên cứu “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng tính chống chịu khí hậu đối với các khu vực đô thị ở miền Trung Việt Nam, lấy Huế làm thí điểm” (GreedCityLab Hue).

Quang cảnh hội thảo

Dự án có sự tham gia của 3 thành phần chính gồm “Ban chủ nhiệm dự án” đến từ Khoa Địa lý của Đại học Humboldt tại Berlin, Viện Độc lập các vấn đề Môi trường (UfU, Berlin) và Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung. “Các đối tác Việt Nam khác” gồm các cơ quan chuyên môn của Huế, viện nghiên cứu, đại học, các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ. “Các đối tác cung cấp thông tin” là những cá nhân, tổ chức có kiến thức và ảnh hưởng quan trọng lên quá trình phát triển của mỗi địa phương. Tất cả đều có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường và quy hoạch đô thị.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Lê Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) và đô thị hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, các đô thị vừa là nơi tạo ra phát thải nhưng cũng là nơi tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển xã hội trong quá trình phát triển đó. Yêu cầu thích ứng, giảm thiểu BĐKH và xây dựng tính chống chịu vì thế trở thành chính yếu đối với chính sách đô thị.

Trong hoàn cảnh đó, các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) trong quy hoạch đô thị và khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đề cập đến quản lý bền vững và sử dụng thiên nhiên để đối phó với các thách thức về môi trường và xã hội như BĐKH, đảo nhiệt đô thị, an ninh nguồn cấp nước, ô nhiễm nước- không khí, an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe, quản lý rủi ro thiên tai. Các giải pháp phát triển đô thị dựa vào thiên nhiên sẽ trở thành phương tiện quy hoạch hạ tầng chính yếu của đô thị để đem lại rất nhiều lợi ích cho đô thị. Đây còn là giải pháp rẻ tiền và dễ thực hiện bởi mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia xây dựng và giữ gìn hệ thống hạ tầng xanh phân bố trong đô thị. Phát triển hạ tầng xanh còn giúp giảm sự phụ thuộc vào hạ tầng xám thường rất đắt tiền để xây dựng và duy trì...

Hạ tầng xanh, đô thị tại miền Trung nói chung và tại Huế nói riêng vẫn còn hạn chế trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH

“Huế là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án với những điểm rất đặc thù như đô thị đô thị di sản, thành phố vườn, thành phố festival... cùng với những phong trào hạn chế ô nhiễm đang lan tỏa mạnh như Ngày Chủ nhật xanh, Nói không với rác thải nhựa dùng một lần, đạp xe thân thiện môi trường. Dự án GreedCityLab Hue sẽ thúc đẩy việc mở rộng, phát triển và duy trì các hạ tầng xanh hiện có tại Huế để cung cấp các lợi ích về môi trường, kinh tế xã hội bên cạnh việc nâng cao giá trị sinh thái để đem đến những tác động tích cực về sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thêm vào đó, dự án sẽ tạo ra không gian học tập, chia sẻ thông tin và dữ liệu đến công chúng để nâng cao nhận thức của người dân về hạ tầng xanh, đưa người dân đến gần hơn với các quy hoạch hạ tầng xanh...”, TS Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo đó, dự án có sự phối hợp giữa tiếp cận đa ngành giữa các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và hợp tác quốc tế để giúp chuyển tải các tiếp cận và ý tưởng về phát triển đô thị bền vững thành các lựa chọn cụ thể cho kế hoạch hành động và làm nên những thay đổi có thể thấy được (bằng các bản đồ, mô hình) cho các bên tham gia dự án và công chúng rộng lớn hơn. Điều này cho phép phát triển các kế hoạch hành động cụ thể và được chấp nhận rộng rãi bởi các bên tham gia để cải thiện điều kiện kinh tế- xã hội, tăng tính chống chịu và giảm thiểu tác động của BĐKH...

Tại Hội thảo, nhiều bài tham luận hay, bổ ích và mang tính chiều sâu về các vấn đề biến đổi khí hậu, hạ tầng xanh, đô thị, tái tạo thiên nhiên, đất đai... đã được các đại biểu trong và ngoài nước trình bày, thảo luận.

Các đại biểu nêu quan điểm, thảo luận về các ý tưởng hạ tầng xanh, BĐKH, đô thị... tại hội thảo

Cụ thể, một số tham luận nổi bật như “Định hướng phát triển đô thị Huế thích ứng BĐKH” của Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế; “Hạ tầng xanh và hạ tầng mặt nước là những giải pháp dựa vào thiên nhiên ở các thành phố” của GS. TS. Dagmar Haase- Đại học Humboldt Berlin; “Nhu cầu phát triển hạ tầng xanh và hạ tầng mặt nước ở Huế” của Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung; “Làm thế nào để trở thành một hình mẫu trong thích ứng BĐKH cho các thành phố khác tại Việt Nam” của Hiệp Hội các Đô thị Việt Nam...

“Nên thu hồi những khu đất bị treo để chuyển đổi sang làm mục đích sân chơi công cộng hoặc công viên, tạo ra nhiều khoảng xanh hơn cho đô thị. Cần có những thiết kế tạo ra sự kết nối giữa hạ tầng xanh với người dân như chỗ để xe, chỗ đi bộ, điểm đổ rác. Cần huy động người dân tham gia vào tạo mảng xanh đô thị. Nên làm thí điểm, chọn người nhiệt tình, tâm huyết với cây xanh đô thị để tập huấn, truyền kỹ thuật trồng...”, Th S. Hoàng Thị Bình Minh - Viện nghiên cứu Khoa học miền Trung nêu ý kiến khi tham luận.

Được biết, Dự án “Green City Lab Hue” lần này đóng vai trò là tiền đề, nguồn cơ sở dữ liệu và tạo không gian cố định để trao đổi và làm việc cho dự án nghiên cứu chính (2021- 2025).

Văn Dinh