TP. Hải Dương: Dân “nghẹt thở” vì cơ sở sản xuất mì gạo
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:13, 24/10/2019
(TN&MT) - Các cơ sở này, ngày càng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vì tận dụng nguyên liệu đốt là: vải vụn, cao su, túi ni lông… gỗ thông công nghiệp và xả trực tiếp nước thải ra môi trường, khiến mùi hôi thối nồng nặc hàng ngày bao trùm khắp nơi.
Theo phản ánh của người dân Khu Xuân Dương, phường Tứ Minh, TP. Hải Dương (Hải Dương) chúng tôi về “mục sở thị” mới bước chân đến đầu phố đã nồng nặc mùi chua chua, hôi thối bốc lên từ cống thoát nước, trước mắt là 4 cột khói đen sì nằm giữa khu dân cư đang xả ra mù mịt.
Ống khói của cơ sở sản xuất mì gạo xả thải ra môi trường |
Không giấu được những uất ức, anh Lê Văn Toàn, Khu Xuân Dương, phường Tứ Minh (nhà gần cơ sở sản xuất mì gạo) nói: “Nếu cứ như thế này thêm một thời gian nữa, chắc gia đình chúng tôi bỏ nhà mà đi, chứ không thể chịu đựng được nữa! Cả ngày đêm, máy chạy ầm ầm, khói bụi mùi mịt bao trùm cả nhà, không thể nào chịu đựng được. Nhà luôn phải đóng cửa không bụi bay đầy, hít phải khói tức ngực, khó thở… Nhiều gia đình ở khu Xuân Dương này “khốn khổ” vì sống gần 3 cơ sở sản xuất mì gạo. Các cở sở sản xuất đều đa số là thủ công, tự phát… họ sản xuất không có ý thức về bảo vệ môi trường. Khi các hộ lắp hệ thống sản xuất mì bằng máy liên hoàn, hộ gia đình khu dân cư đã “lãnh đủ” khói, bụi; nhà thường xuyên phải đóng cửa kín để tránh khói bụi bay vào.
Nước thải của cơ sở sản xuất mì đổ thẳng môi trường, thường gây tắc các cống |
Việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng trực tiếp sức khỏe gia đình, mọi người thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp và sống môi trường ngột ngạt, khó chịu. Người dân đã nhiều lần ý kiến tổ dân phố, chính quyền phường. Các hộ sản xuất mì gạo, nhiều lần hứa hẹn sẽ áp dụng công nghệ mới để không làm ảnh hưởng đến môi trường, nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy” ô nhiễm vẫn từng ngày “hành hạ” làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình. Do các máy sản xuất lớn, tiêu thụ nhiều nguyên liệu và xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, khu dân cư luôn trong tình trạng khí thở có mùi chua chua, thum thủm… không thể nào chịu được nhất là vào ban đêm, mọi người đều phải đeo khẩu trang đi ngủ.”
Chỉ cho chúng tôi xem vườn, sân, nhà đầy bụi từ cơ sở sản xuất mì gạo bay sang, anh Lê Văn Hoàn, nhà sát tường rào của các cơ sở sản xuất mì gạo, than thở: “Gia đình tôi “hứng” hậu quả nặng nhất từ các cơ sở sản xuất này, vì chỉ cách một bờ tường rào. Hiện hai cháu nhỏ, vợ chồng phải gửi cháu về ông bà vì các cháu bị ảnh hưởng khói bụi thường xuyên ốm đau, máy sản xuất chạy ầm ầm suốt ngày đêm, chúng không thể học được. Các loại cây trồng đang héo dần, táp lá và không đơm hoa, kết trái vì lá phủ kín lớp bụi. Nguyên nhân dẫn đến các cơ sở làm mì gạo của hộ gia đình ông: Phạm Văn Túy, Lưu Văn Quỳnh, Lưu Văn Thuấn ngày càng thêm ô nhiễm môi trường, là do các hộ làm mì đã thu gom rác thải: Vải vụn, gỗ thông công nghiệp, cao su… thậm chí cả bao ni lông từ các Công ty mang về cho vào lò đốt thay cho nguyên liệu trước đây là củi. Chính vì vậy, khói từ các máy làm mì xả ra môi trường luôn có mùi khét lẹt, bụi bặm bay khắp nơi ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, các loại cây trồng của người dân ở xung quanh. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị, trực tiếp gọi điện báo chính quyền địa phương, nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn ngày thêm trầm trọng.”
Ông Lưu Văn Trưởng, Khu Xuân Dương dẫn chúng tôi đến cống xả thải của các cơ sở sản xuất mì gạo, vừa đi ông vừa nói: “Hàng ngày, một cơ sở sản xuất mì gạo làm đến vài tấn gạo, cả nước gạo, nước thải sinh hoạt và có cả hóa chất đổ thẳng ra mương tiêu thoát nước của Khu dân cư. Chính vì vậy, cà Khu dân cư với hàng trăm hộ bị “bủa vây” bởi mùi chua, thum thủm, không thể nào chịu được, ngày đêm đều phải đóng kín cửa để tránh mùi… việc xả thải thẳng ra môi trường không những làm ô nhiễm mà còn làm hệ thống cống bị tắc, do nước đặc quánh gạo chảy ra. Khổ nhất là vào mùa mua nước không thoát được, dềnh lên chảy tràn vào đường, ngõ có nhà nước tràn vào cả vào bên trong nhà. Chúng tôi đã ý kiến, đề nghị nhiều chính quyền địa phương, nhưng chính quyền địa phương và ngành tài nguyên & môi trường chưa xử lý dứt điểm.”
Trước phản ánh của người dân Khu Xuân Dương, phóng viên đã làm việc với UBND phường Tứ Minh. Đại diện chính quyền, ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Các hộ sản xuất mì gạo của phường ở Khu Xuân Dương, hiện vấn đề sản xuất gắn bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ... Năm 2017, một số hộ đầu tư lắp đặt máy liên hoàn để sản xuất mì gạo công suất lớn. Mỗi dây chuyền có kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng, công suất trung bình 2 - 3 tấn gạo/ngày. Quá trình hoạt động của các xưởng sản xuất liên hoàn đã phát sinh khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Sau một thời gian hoạt động, các xưởng này phát sinh một số vấn đề, như: Chế độ an toàn khi sử dụng nồi hơi chưa bảo đảm, khói bụi, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường... ngày 10/7/2018, UBND phường Tứ Minh đã ra Quyết định số 55/QĐ - UBND về việc thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, để kiểm tra, tuyên truyền vận động các hộ sản xuất mì gạo bằng hệ thống liên hoàn, thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường. Qua kiểm đã yêu cầu các Chủ hộ khi sử dụng nguyên liệu đốt nồi hơi (nguyên liệu củi) phải thực hiện ngay việc lắp đặt các thiết bị hấp thụ xử lý khí thải, trước khi xả qua ống khói ra môi trường. Nước thải từ quá trình sản xuất mì gạo, bánh đa phải được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường. Yêu cầu, các hộ sản xuất phải lập Đề án Bảo vệ môi trường đơn giản, trình UBND thành phố Hải Dương xác nhận, đảm bảo theo hướng dẫn tại Thông báo số 27/2015/TT – BTNMT.
Cho đến nay do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nước thải của cả các hộ sản xuất thủ công và sản xuất bằng máy liên hoàn, vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Phường đã có ý kiến với các hộ sản xuất, cơ quan chuyên môn và lãnh đạo thành phố có giải pháp giúp cho người dân triệt để vấn đề ô nhiễm, các cơ quan chuyên môn, chức năng cần vào cuộc, giúp các hộ sản xuất.” Sau khi phóng viên cho ông Dũng xem hình ảnh các cơ sở sản xuất mỳ gạo xả khói, nước thải và phản ánh của người dân về việc các cơ sở sản xuất đốt: vải vụn, cao su, ni lông và gỗ thông công nghiệp – ông Dũng đã trả lời, không biết sự việc nêu trên, và UBND phường Tứ Minh sẽ thành lập ngay đoàn kiểm tra các cơ sở này, nếu đúng theo phản ánh sẽ tiến hành lập biên bản, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm.
Việc các cơ sở sản xuất mì gạo ở Khu Xuân Dương đang gây ô nhiễm môi trường và nhất dùng nguyên liệu đốt là rác thải gây ô nhiễm, rất cần chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin