Không cho “đất nghỉ”...

Đất đai - Ngày đăng : 13:22, 24/10/2019

(TN&MT) - Tỉnh Ninh Bình đang đi đầu trong việc tích tụ đất ruộng của những hộ dân không có nhu cầu sản xuất để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh lãng phí đất đai.

Ông Vũ Ngọc Bản - Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Là một xã thuần nông với tổng diện tích trên 1.116 ha, trong đó, hơn 700 ha là đất nông nghiệp, trước kia đất ruộng manh mún, 1 hộ có rất nhiều thửa nhỏ lẻ, sản xuất hiệu quả thấp, chính vì vậy, tích tụ đất đai là thực sự cần thiết. Năm 2012, Khánh Nhạc là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa. Trước hết, xã tuyên truyền, vận động nhân dân để thực hiện việc dồn điển đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Để đạt hiệu quả cao nhất, xã thu lại toàn bộ đất ruộng của hộ dân, rồi chỉnh trang toàn bộ đồng ruộng, hoàn thiện kênh mương nội đồng, sau đó, mới chia lại đất ruộng cho người dân.

Thành công của việc dồn điển đổi thửa đã tạo điều kiện để triển khai máy gặt đập liên hợp, chuyển đổi 100% diện tích từ cấy truyền thống sang gieo thẳng làm giảm trên 70% chi phí công lao động. Kết quả giảm từ 3,88 thửa/hộ xuống còn 1,27 thửa/hộ (có 60% số hộ là 1 thửa). Một thửa rộng 4 - 5 sào giúp thuận tiện cho việc cơ giới hóa đồng ruộng, nâng cao giá trị sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp trên diện tích lớn ngày càng đáp ứng được những yêu cầu cao, khắt khe hơn của thị trường

Năm 2017, trước thực trạng nhiều hộ không có nhu cầu sản xuất đất nông nghiệp, bỏ ruộng gây lãng phí đất đai, lực lượng lao động chuyển đổi sang ngành nghề khác nhiều, xã tiếp tục thực hiện dồn điển đổi thửa lần 2, trong đó, tập trung vào việc dồn đổi những thửa người dân không có nhu cầu sản xuất để tạo thành một khu vực rộng lớn cả chục ha để cho những cá nhân, tập thể có nhu cầu thuê để tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Việc tích tụ này không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, người dân vẫn làm chủ thửa ruộng của mình. Các hộ trực tiếp cho thuê với giá 60 kg lúa/năm thông qua hợp tác xã làm trung gian quản lý, cuối năm, các hộ sẽ được thanh toán 1 lần tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Tiến hoặc nhận trực tiếp từ hộ thuê đất. Để đảm bảo tính ổn định, việc cho thuê này phải có thời gian ít nhất 10 năm.

Xã Khánh Nhạc đã tích tụ được 70ha đất của các hộ bỏ ruộng tại xóm Chùa, xóm 2A và xóm 2B để cho các hộ có nhu cầu sản xuất thuê để canh tác 2 vụ lúa/năm, hiện các hộ đang thuê có diện tích thấp nhất là 1 ha/hộ, cao nhất từ 6 - 7 ha/hộ. Trong 70 ha này, có 11 ha được áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ được cấy bằng máy và bón phân hữu cơ cho năng suất giá trị cao.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Hà - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Ninh Bình khẳng định: Việc dồn đổi đất ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất thành một khu rộng lớn là mô hình hay trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai, không chỉ tránh lãng phí, chống hoang hóa, bạc màu đất mà còn tạo được quỹ đất lớn để thu hút các cá nhân, tập thể có nhu cầu tập trung đầu tư vào nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất. Sắp tới, mô hình này sẽ được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh vì số lượng người dân bỏ ruộng diễn ra khá nhiều, đặc biệt là ở các vùng có công nghiệp phát triển.  

Bài và ảnh: Anh Tú