Động lực từ cánh đồng mẫu lớn
Đất đai - Ngày đăng : 13:21, 24/10/2019
Quy mô ngày càng tăng
Ông Nguyễn Ngọc Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ thông tin, năm 2011, mô hình CĐML được TP. Cần Thơ triển khai với quy mô ban đầu 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Sau 8 năm triển khai, đến nay, mô hình CĐML đã được mở rộng ra hầu khắp các địa phương sản xuất lúa của thành phố, với 106 cánh đồng, tổng diện tích hơn 25.000ha, thu hút được 18.000 hộ dân tham gia. Không chỉ vậy, TP. Cần Thơ còn xây dựng được mô hình "Cánh đồng sản xuất lúa sạch", với diện tích 10.000ha, có 6 hợp tác xã tham gia sản xuất và gắn kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòe, lúa là cây trồng có lợi thế của TP. Cần Thơ và đang được đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020, diện tích đất lúa của thành phố là 81.688ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa cần được bảo vệ nghiêm ngặt là 76.230ha và mở rộng diện tích lúa liên kết theo CĐML đạt bình quân 40.000 ha/vụ.
“Để thực hiện được mục tiêu này, TP. Cần Thơ đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất; nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt trên 95% vào năm 2020” - ông Nguyễn Ngọc Hòe thông tin thêm.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, qua 6 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương này đã xây dựng thành công một số CĐML tại các huyện như: Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, TX. Long Mỹ, TX. Ngã Bảy. Tính đến cuối năm 2018, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được 5 CĐML với tổng diện tích hơn 2.000ha.
Đưa máy móc vào cánh đồng mẫu lớn từ khâu sản xuất đến thu hoạch lúa |
Theo UBND huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), vào năm 2013, xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) đã được chọn làm điểm của tỉnh Hậu Giang triển khai mô hình CĐML với diện tích 225ha, đến nay, đã mở rộng diện tích lên được 613ha, thu hút gần 500 hộ dân tham gia. Đây một trong những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao thể hiện qua năng suất cây trồng tăng gần 7,8% so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình; chi phí sản xuất người dân bỏ ra giảm khoảng 15%; lợi nhuận thu được tăng hơn 27,5%.
Tại tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng tại huyện Long Phú, người dân đã liên kết, tập trung đất đai hình thành được 5 CĐML, với diện tích hàng ngàn hecta. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Từ đó, tỉnh Sóc Trăng đã nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao và ổn định cho người nông dân. Không chỉ vậy, việc tham gia CĐML còn góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác cho người nông dân, tạo sự gắn kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.
Nhiều lợi ích
Ông Nguyễn Ngọc Hòe cho biết, từ hình thức liên kết tập trung trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình CĐML ở ĐBSCL nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng đã mang lại những hiệu quả tích cực, giải quyết được nhu cầu cấp thiết của người trồng lúa, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá. Người nông dân tham gia CĐML được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, góp phần tăng thêm lợi nhuận, phát triển sản xuất gắn bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Thới Tân, huyện Thới Lai) cho biết, mấy năm trở lại đây, khi liên kết hình thành CĐML, sản xuất lúa của gia đình anh và một số người dân nơi đây được thực hiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Vì vậy, người dân đã mạnh dạn đưa các loại lúa mới chất lượng gạo thơm ngon như lúa Đài Thơm 8, Jasmine 85 vào sản xuất. Anh Đoàn phấn khởi nói: “Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, tôi và nhiều hộ dân tại địa phương sạ lúa Jasmine 85, khi thu hoạch doanh nghiệp bao tiêu lúa tươi ngay đầu vụ với giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 200 đồng/kg so với vụ trước”.
Còn anh Nguyễn Thiện Khanh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã sản xuất lúa Phúc Lộc (ấp Trường Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai) cho rằng, trong 2 năm nay từ việc làm đất, xạ lúa cho đến thu hoạch trên diện tích 14ha của Hợp tác xã đều được máy móc thực hiện, việc này không chỉ giúp người nông dân trồng lúa khỏe hơn mà còn tiết giảm được chi phí đầu tư vào sản xuất, lợi nhuận tăng cao. Không chỉ thế, việc tham gia CĐML còn giúp người nông dân nâng cao kỹ thuật trong canh tác, hình thành quan hệ sản xuất mới, tạo sự liên kết cho phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Hợp tác xã nhân giống lúa Phước Thuận (ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho rằng, qua nhiều năm thực hiện liên kết với doanh nghiệp làm CĐML, ông cũng như các xã viên trong hợp tác xã thấy được những hiệu quả mang lại từ mô hình này, đặc biệt, không phải lo giá lúa đầu ra vì được doanh nghiệp bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn thị trường cùng thời điểm.
Trước đây, ông Nguyễn Minh Hiếu (ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang) thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ lúa hoặc được mùa thì rớt giá. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác ở ấp Tân Thành đã mạnh dạn liên kết với Tập đoàn Lộc Trời thực hiện mô hình CĐML. Với 15ha đất liên kết để sản xuất, mỗi năm trừ đi tất cả các chi phí, lợi nhuận ông Hiếu thu được trên 200 triệu đồng.
“Qua một thời gian tham gia liên kết CĐML, chúng tôi thấy cái lợi mang lại cho người nông dân là làm theo quy hoạch từng vùng, xuống giống đồng loại theo thời vụ, chăm sóc lúa theo quy trình hướng dẫn như 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm, khi thu hoạch lúa được doanh nghiệp bảo đảm thu mua hết sản phẩm mình” - ông Hiếu cho biết thêm.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, thời gian qua, những người nông dân ở các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL có diện tích đất nhỏ lẻ đã thỏa thuận cùng đứng chung với nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp để tạo thành những CĐML, đồng thời, sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư xây dựng vùng sản xuất tập trung cung cấp sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chất lượng cho thị trường trong nước và quốc tế.