Chắp cánh tam nông
Đất đai - Ngày đăng : 13:20, 24/10/2019
Nhìn vào những kết quả được ngợi ca, phía sau những giai đoạn áp dụng các từ khóa đó, chúng ta đều nhận ra những tồn tại mặt trái không hề nhỏ cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Chất lượng nông sản thấp, giá trị thấp, nông dân bỏ ruộng, môi trường xuống cấp.... Điều đó khiến cho sự cân bằng giữa ba trục của khái niệm phát triển bền vững bị lệch đi.
Sản xuất kinh tế luôn cần phải được đặt trong một thế cân bằng thường thấy với môi trường và xã hội. Nếu luôn tính toán đến điều đó một cách đầy đủ, có lẽ chúng ta sẽ không ồ ạt phá bỏ hết những đồi thông đẹp đẽ để biến thành những “cánh đồng trắng” với bạt ngàn nhà lưới, nhà kính.
|
Hay chúng ta sẽ không ồ ạt đẩy mạnh ba vụ lúa nhưng giá bán vẫn bấp bênh. Và chúng ta sẽ suy nghĩ lại đến thứ hạng xuất khẩu của cà phê, hồ tiêu nếu thấy những hậu quả nặng nề về sinh thái đe dọa khu vực Tây Nguyên.
Có lẽ hơn cả, từ khóa mà chúng ta cần thúc đẩy lúc này phải là “nông nghiệp bền vững”. Bền vững đến từ sự hài hòa. Sự hài hòa đến từ việc bỏ tư duy chạy theo một cực kinh tế. Từ bỏ tư duy coi phát triển là một “cuộc đua” để đuổi theo những lợi ích ngắn hạn.
Nông nghiệp phải bứt phá đi lên là trăn trở của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền. Nhưng mở lối ra thế nào, tháo gỡ những vướng mắc ra sao, lại không hề đơn giản?!
Chúng ta đã có không ít chính sách cho tam nông, nhưng chưa đủ để nâng bước sản xuất nông nghiệp. Bao nhiêu giải pháp vẫn chưa gỡ được đầu ra cho nông sản thoát khỏi tâm thế loay hoay, “may nhờ, rủi chịu”!
Và đến hôm nay, ngành nông nghiệp đón nhận luồng gió mới khi Chính phủ quyết định dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến đích làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch.
Đòn bẩy nông nghiệp đã rõ, nhưng ở đó vẫn có những băn khoăn. Đó là việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao không thể theo phong trào để rồi nguy cơ “chia năm, xẻ bảy”.
Cho dù các vùng nông thôn đang rất cần những doanh nghiệp đi vào “trận địa” còn rất thoáng này, nhưng cũng phải chọn lọc những nhà đầu tư bài bản, những doanh nghiệp am tường, thấu hiểu nhà nông, tâm huyết với nông dân, nông thôn.
Cần hơn nữa là trong quy hoạch phát triển nông nghiệp phải gắn với tiêu thụ, khả năng dự báo thị trường để người nông dân làm ra sản phẩm không “khốn khổ vì ứ thừa”!
Tích tụ đất đai là chiến lược và tư duy rất trúng, nhưng chính sách thế nào để nông dân có niềm tin góp đất cho các doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức ra sao để nhà nông cùng lo, cùng làm với các doanh nghiệp cũng là việc không dễ dàng?!.