TP.HCM phát huy cơ chế “đặc thù” về tài nguyên và môi trường

Đất đai - Ngày đăng : 11:36, 24/10/2019

(TN&MT) - Triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến, mang tính đột phá.

Thời gian chuyển đổi đất lúa từ 2 năm còn 6 tháng

Triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 02/2018 ngày 16/3/2018 về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với những doanh nghiệp có phát sinh nước thải công nghiệp. Theo đó, từ 1/7/2018, các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày đêm thì thu mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Trường hợp tổng lượng nước thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải (K= lưu lượng xả thải: 5). Đặc biệt, TP.HCM đã quy định các cơ xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý rác có phát sinh nước thải vào đối tượng phải đóng phí.

Thời gian chuyển đổi đất lúa trên 10ha rút ngắn từ 2 năm còn 6 tháng

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trước đây, thu phí theo mức cũ, bình quân mỗi năm, TP.HCM thu khoảng 9 tỷ đồng. Hiện nay, việc thu phí theo quy định mới, tính đến quý III/2019, Thành phố đã thu được trên 40 tỷ đồng; dự kiến quý IV/2019 sẽ thu thêm 15 tỷ đồng nữa.

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc điều chỉnh này không chỉ tăng thu số tiền phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xả nước thải công nghiệp mà còn hướng tới mục tiêu quan trọng của thành phố là kiểm soát nguồn nước thải công nghiệp phát sinh, khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng nước thải.

Cũng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, HĐND TP.HCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đến nay, HĐND TP.HCM đã phê duyệt 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trước đây, để thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha,TP.HCM phải trình ra Trung ương, mất gần 2 năm; giờ đây, việc này được giao cho HĐND TP.HCM nên thời gian còn 6 tháng. Việc này góp phần đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng bộ mặt đô thị thành phố ngày càng khang trang.

Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung trong cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy trình mới sẽ rút ngắn trung bình còn 90 ngày thay vì 250 ngày như trước kia.

Mới đây, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội thành phố quý 4/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sau nhiều lần làm việc trực tiếp với các cơ quan Trung ương, Chính phủ đã đồng tình với đề xuất này và sẽ ban hành nghị quyết cho TP.HCM thực hiện thí điểm.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TP.HCM ủy quyền cho các sở, ngành thực hiện 55 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung vào lĩnh vực đô thị - môi trường, kinh tế - ngân sách - dự án, văn hóa - xã hội - khoa học…

Trong lĩnh vực đất đai, Sở TN&MT đã ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân; đồng thời được phép được sử dụng “con dấu thứ 2” của Sở trong việc thực hiện các thủ tục trên nhằm rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ xuống từ 3 - 5 ngày (không phải trình Sở ký và đóng dấu.

Việc này giúp đảm bảo hồ sơ được giải quyết đúng theo thời gian quy định, góp phần làm giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khoảng 70%; giảm áp lực công việc tại Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố để tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra, tham mưu chính sách.

Hiện nay, TP.HCM đang kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT cho phép Sở TN&MT phân cấp cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện ký cấp Giấy chứng nhận đối với 11 loại thủ tục liên quan đến đăng ký biến động đất đai. Việc phân cấp này giúp các hồ sơ không phải luân chuyển Ban Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố.

Việc này không những rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục mà còn giải quyết hồ sơ cho dân nhanh hơn để người dân không phải chờ đợi, không mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, hợp tác và không phải đi lại nhiều lần để hỏi kết quả giải quyết. Dự kiến, việc ủy quyền này sẽ rút ngắn thời luân chuyển hồ sơ thêm từ 5 đến 7 ngày tùy theo từng loại thủ tục; số lượng hồ sơ thực hiện khoảng từ 65.000 đến 70.000 hồ sơ.

Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quy trình rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (công nhận sở hữu công trình) từ 57 ngày xuống 15 ngày.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm hệ thống một cửa điện tử quản lý đất đai trên địa bàn thành phố. Việc tiếp nhận, luân chuyển và hoàn trả, thống kê báo cáo đối với hồ sơ đất đai được triển khai thí điểm trên phần mềm một cửa điện tử quản lý đất đai. Với việc xử lý bằng phần mềm, từ tiếp nhận, lưu trữ văn bản trên phần mềm điện tử gắn với phân cấp sẽ giải quyết hồ sơ trễ hẹn hiệu quả.

Trước đây, nếu hồ sơ giấy người dân phải đi lại 4 cơ quan, 9 bước thì việc liên thông từ nơi đăng ký đến nơi đóng thuế giảm việc đi lại 2 bước và giảm thời gian rất nhiều. Ngoài ra, người dân sẽ giám sát và kiểm tra được việc tiếp nhận luân chuyển, hoàn trả hồ sơ nhà, đất của mình; lãnh đạo thành phố sẽ kiểm tra được kết quả giải quyết hồ sơ, số hồ sơ trễ hẹn, đúng hẹn, lỗi thuộc về ai…Thời gian chuyển đổi đất lúa trên 10ha rút ngắn từ 2 năm còn 6 tháng

Bài và ảnh: Nguyễn Quỳnh