Hợp tác dự báo biển ứng phó với thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:13, 24/10/2019

(TN&MT) - Hợp tác kỹ thuật giữa Na Uy và Việt Nam về dự báo biển ngày càng quan trọng trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đã đang, sẽ tiếp tục xảy ra và có thể còn tồi tệ hơn. Bên lề Hội thảo dự báo biển tại Việt Nam diễn ra từ 22 - 25/10 tại Hà Nội và một số địa phương, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa bà, nền tảng cho những hợp tác và hỗ trợ trong công tác dự báo biển giữa Việt Nam và Na Uy là gì?

Đại sứ Grete Lochen:

Việt Nam và Na Uy đều có đường bờ biển rất dài và các khu đô thị phát triển dọc theo đường bờ biển đó. Hai nền kinh tế của chúng ta đều phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế biển bền vững, dầu khí, thủy sản, hải sản, vận tải biển. Phần lớn dân số của chúng ta đang sống dọc theo bờ biển và quá trình đô thị hóa chủ yếu diễn ra ở các khu vực ven biển.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và giống như thời tiết, không có biên giới. Thông điệp chính phải là những thách thức toàn cầu cần có những giải pháp toàn cầu. Ngày nay, biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế và xã hội. Nó là một vấn đề xuyên suốt và liên ngành, đòi hỏi sự hợp tác vững chắc. Hợp tác là chìa khóa để đạt được các giải pháp bền vững cho các thách thức khí hậu.

Bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam 

Một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu là tất cả chúng ta đều đang hứng chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, ở Na Uy cũng như ở Việt Nam. Nếu như các bạn gọi nó là “super typhoon - siêu bão”, chúng tôi gọi là hurricanes - với gió rất mạnh, mưa cực đoan, lũ lụt và nước dâng do bão; các đợt sóng nhiệt và hạn hán nghiêm trọng hơn. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này không chỉ đơn giản là một ví dụ về những gì biến đổi khí hậu có thể mang tới. Chúng do biến đổi khí hậu gây ra. Nó gây ra hậu quả tàn khốc không chỉ về tính mạng con người, mà còn đối với nền kinh tế, sản xuất lương thực, phá hủy cơ sở hạ tầng và góp phần gây ô nhiễm như sự cố tràn dầu.

Có thể nói, điều kiện khí tượng của Na Uy rất khắc nghiệt và chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trọng dự báo, đặc biệt là dự báo biển. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình về làm thế nào để tăng cường năng lực cũng như chất lượng dự báo biển cho các bạn Việt Nam.

PV: Vậy, hợp tác kỹ thuật giữa Na Uy và Việt Nam về dự báo biển có vai trò như thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay?

Đại sứ Grete Lochen:

Hoạt động hợp tác này ngày càng quan trọng vì biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Chúng ta cần phải tăng cường năng lực để có thể đảm bảo đời sống người dân, bảo vệ được cộng đồng. Để có thể làm được điều đó cần tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo và năng lực dự báo của chúng ta.

Các biện pháp phòng ngừa như phòng chống thiên tai, tập trung vào các dự báo mưa cực đoan, gió và bão là chủ chốt. Và nó ngày càng trở nên quan trọng hơn để phát triển, tăng cường năng lực, khả năng hoạt động và phòng chống cho xã hội để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Hợp tác để tăng cường năng lực cũng như chất lượng dự báo biển cho Việt Nam. Ảnh: MH

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang và sẽ tiếp tục xảy ra và chúng có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Đó là lý do tại sao hợp tác kỹ thuật giữa Na Uy và Việt Nam về dự báo biển là rất quan trọng. Hoạt động hợp tác này không chỉ hỗ trợ dự báo sóng và nước dâng do bão mà còn hỗ trợ sử dụng và khai thác các kết quả cho của mô hình tràn dầu, rác thải nhựa trên biển, trôi tàu và tìm kiếm cứu nạn. Nó bao gồm tất cả từ ứng phó, hiểu, sử dụng và khai thác dữ liệu, các mô hình và các công cụ thời tiết khác một cách chính xác.

PV: Như bà chia sẻ, với người dân Na Uy, mỗi sáng dậy, một trong những việc làm đầu tiên là kiểm tra thời tiết. Theo bà, làm thế nào để mọi người dân Việt Nam có thể hình thành thói quen như vậy?

Đại sứ Grete Lochen:

Đối với hầu hết người dân Na Uy, thời tiết là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Mỗi buổi sáng, một trong những điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm là kiểm tra thời tiết - mưa, nắng hay có tuyết - bằng cách nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc kiểm tra ứng dụng thời tiết (YR) trên điện thoại thông minh. Thời tiết nằm “trong gen” của chúng tôi hoặc ít nhất là một phần của bản sắc Na Uy. Nhiều người nước ngoài ngạc nhiên khi người Na Uy bị ám ảnh bởi thời tiết.

Khi tôi gọi điện cho cha tôi ở Na Uy từ Hà Nội, một trong những điều đầu tiên tôi hỏi ông là: “Thời tiết hôm nay thế nào?” Tôi nghĩ tất cả những điều đó là do Na Uy là một đất nước có điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tất cả người dân Na Uy, khả năng di chuyển, nền kinh tế cũng như đời sống xã hội của chúng tôi.

Ở Việt Nam tôi thấy các bạn cũng rất quan tâm đến vấn đề thời tiết. Hiện tại, tôi đang sử dụng ứng dụng ở điện thoại về thời tiết do Cơ quan Khí tượng Na Uy phát triển, với ứng dụng này tôi có thể kiểm tra điều kiện thời tiết ở tất cả các nơi trên thế giới. Từ ứng dụng này còn có thể xem được nhiệt độ trong ngày, ngày hôm sau và nhiều yếu tố khác như: kiểm tra cường độ gió, lượng mưa. Ứng dụng này là miễn phí, mình có thể download để sử dụng.

Hơn nữa, hầu hết mọi người đều đã sử dụng điện thoại thông minh, tôi nghĩ rất dễ để có thể tải ứng dụng về điện thoại kiểm tra điều kiện thời tiết. Tôi nghĩ ứng dụng này có thể là một trong những phương tiện đơn giản và rất hiệu quả góp phần bảo vệ đời sống của người dân cũng như công tác ứng phó khi có các hình thái thời tiết nguy hiểm xảy ra.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tuyết Chinh (thực hiện)