Thái Nguyên: Trắng đêm thắp đèn bắt giun

Môi trường - Ngày đăng : 10:23, 24/10/2019

(TN&MT) - Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Thái Nguyên xuất hiện một số nhóm nhỏ người dân dùng máy kích điện bắt giun đất. Sau đó, họ bán lại giun đất cho đầu mối thu gom sơ chế để bán sang Trung Quốc kiếm lời… Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc làm này đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đất ở vườn bãi, ruộng đồng.

Người dân xóm Gò Chè, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên dùng kích điện đánh bắt giun đất trên đồng ruộng.

Nhận được thông tin đêm đêm trên nhiều cánh đồng ở thành phố Thái Nguyên thường thấy một nhóm người dân địa phương chở máy kích điện đánh giun đất trên đồng ruộng hoặc vườn nhà mình. Tò mò, nhóm phóng viên bắt quen với một vài người dân xóm Gò Chè, xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên để theo chân họ đi bắt giun đêm. Bóng tối bao phủ cánh đồng ẩm ướt. Phát hiện tiếng giun đất đều đều, người đàn ông bắt giun cho hạ máy kích điện xuống mặt ruộng. Tiếng máy bơm nước xình xịch hòa cùng tiếng réo ò ò ghê rợn của chiếc máy kích giun cất lên. Những chiếc que sắt nhọn được nối với bộ kích điện được cắm thẳng xuống đất. Máy chạy trong bán kính vài mét vuông, giun to, giun bé đều ngoi lên khỏi mặt đất. Người bắt giun thoăn thoắt nhặt giun bỏ vào trong xô. Điều kiện để kích được giun là đất ẩm, dễ dẫn điện, vì vậy người bắt giun có thể tưới nước để cho đất ẩm hoặc chờ trời mưa. Vận hành máy và bắt giun cũng chỉ cần 1 đến 2 người. Cứ thế trên mỗi sào đất chỉ vài tiếng đồng hồ có thể bắt được từ vài chục đến hàng tạ giun…

Các chủ lò mổ giun cung cấp một ác quy tích điện cùng bộ kích điện giao cho người dân đi bắt giun.

Một người bắt giun tên TVT (giấu tên) cho biết: Bắt giun trên ruộng vườn thì cần phải bơm nước. Vì nước dẫn điện ngấm sâu vào lòng đất khiến giun bị sốc điện phải chui lên mặt ruộng. Bắt giun bằng điện không tốn kém lắm lại được nhiều hơn so với đổ nước vôi bột xuống đất. Bắt giun đất cũng kiếm được khá tiền nên người dân ham lắm. Cũng theo ông TVT cho biết thêm: Các chủ lò mổ giun cung cấp một ác quy tích điện cùng bộ kích điện giao cho người dân đi bắt giun. Người dân được hưởng cả máy lẫn tiền lời.

Giun tươi bắt về sẽ được đầu nậu thu gom để mổ, sấy hoặc phơi khô rồi mới được xuất bán.

Giun tươi bắt về sẽ được đầu nậu thu gom để mổ, sấy hoặc phơi khô rồi mới được xuất bán… Rất khó để tiếp cận với những đầu nậu, hay chủ cơ sở thu mua chế biến mặt hàng kỳ quái này… Khi cùng cơ quan chức năng tiếp cận hiện trường cơ sở thu mua và mổ giun tại xóm Gò Chè, xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên chủ cơ sở đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Chỉ còn để lại xác nhưng con giun đã được mổ phơi và nhân công trông nom, sơ chế…Một chị nhân công (giấu tên) cho biết: Giun đất bắt về rửa sạch đem mổ rồi phơi. Phơi khô thì đóng bao rồi đậu nậu thu mua tự đến thu gom. Mổ giun đất tanh lắm. Cứ bắt giun thế này thì đất chết mất.

Theo tìm hiểu của phóng viên giun tươi hiện nay được thu mua với giá từ 20 - 30 nghìn đồng/1 kg. 12 – 13 kg giun tươi mới sơ chế được 1 kg giun khô được thương lái mua với giá gần 600 nghìn đồng. Máy kích giun được thương lái trực tiếp cung cấp cho người bắt rồi trừ dần vào tiền sản phẩm. Tình trạng này đã xuất hiện ở một số xã ven sông Cầu TP Thái Nguyên từ đầu tháng 6 năm 2019. Chính quyền địa phương cũng có nắm được, tuy nhiên, việc bắt, chế biến giun của người dân là lén lút, lại chưa có chế tài để quản lý hoạt động này nên địa phương cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, tuyên truyền…Ông Dương Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng, TP Thái Nguyên cho biết: Xã đã biết một số hộ dân trong xóm đi bắt giun đất bán. Họ không làm gì vi phạm pháp luật nên cũng khó ngăn chặn. Chúng tôi chỉ khuyên giải và yêu cầu ngừng việc bắt tận diệt giun đất tránh ảnh hưởng đến môi trường đất và nguy hiểm điện giật. Đề nghị cấp trên xem xét có chế tài xử lý thì xã mới cấm được.

1 kg giun khô được thương lái mua với giá gần 600 nghìn đồng.

Chưa biết hiệu quả kinh tế đem lại do bán giun được bao nhiêu, nhưng việc tận diệt loại giun đất và kích điện cả hệ sinh thái dưới lòng đất được các nhà khoa học, người nghiên cứu nông nghiệp cực lực phản đối vì những tác hại khôn lường của việc hủy hoại môi trường sống ở bên dưới mặt đất của các loài sinh vật… Phó Giaó sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Đặng, Chuyên ngành Khoa học đất, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên đã đưa ra khuyến cáo: Dùng kích điện để đánh bắt giun đất là hành vi tận diệt không chỉ giun đất mà còn cả hệ vi sinh vật trong đất. Mỗi một gam đất có tới 6 triệu con vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Ví dụ như cây lá thối mục, xác động vật phân hủy hòa vào đất lại được hệ vi sinh vật tồn tại trong đất tiêu hủy làm cho đất xốp, màu mỡ hơn. Khi cắm kích điện chỉ trong vòng 2 phút là vi sinh vật chết hết. Vi sinh vật chết hết thì đất nghèo dinh dưỡng trở nên cằn cỗi, cây trồng không phát triển được. Bắt giun bằng điện là rất đáng ngăn chặn sớm.

Được biết trước đây đã từng xuất hiện thương lái nước ngoài đến các địa phương thu mua những thứ không giống ai như đỉa, ếch… giờ lại đến giun đất. Tuy nhiên, con giun có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất. Nếu dùng phương tiện tận diệt như kích điện để bắt giun, hủy hoại các sinh vật khác trong đất thì nơi đó đất sẽ xấu. Môi trường sinh thái trong đất sẽ bị tổn hại rất lâu sau đó mới có thể phục hồi được. Vì thế, người dân cần nâng cao nhận thức tác hại của việc tận diệt giun đất sẽ ảnh hưởng đến canh tác mùa vụ tới đây. Khuyến cáo người dân không nên vì cái lợi trước mắt mà gây hủy hoại môi sinh, môi trường đất, ảnh hưởng  xấu đến sản xuất nông nghiệp cũng như sự an toàn của bản thân, hủy hoại môi trường sống của chính chúng ta.

Đức Nam