Gồng mình cứu ngành chăn nuôi trong cơn “bão bệnh” ở Hà Tĩnh - Bài 2: Nỗ lực khống chế dịch bùng phát
Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 23/10/2019
Nghiêm túc thực hiện lệnh “cấm trại”
Gần một tháng nay, nhiều công nhân của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh (có tổng đàn lợn thuộc trên 40 nghìn con) chưa trở về nhà, ở lại trang trại để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn con lợn trước cơn “bão bệnh” mang tên dịch tả lợn Châu Phi. Bởi lẽ, với họ thừa hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và hơn bao giờ hết công ty cần người lao động như lúc này.
Ông Trương Xuân Bính- Giám đốc HTX chăn nuôi Minh Lộc, huyện Cẩm Xuyên tập trung cho công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn lợn hơn 1000 con |
Ông Hồ Sỹ Thảo- Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh, cho biết: “Trách nhiệm, sẽ chia là những gì mà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi như chúng tôi đang nhận được từ lực lượng lao động, trong thời điểm dịch bệnh càng đáng trân trọng và ghi nhận. Nhờ vậy, cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực bị bao quanh bởi các ổ dịch nhưng trang trại vấn đang kiểm soát được tình hình, chưa để xâm nhập vào khu vực chăn nuôi của mình”.
Theo đó, ngay sau khi nước ta công bố xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi vào tháng hai thì ngay lập tức lãnh đạo Công ty CP Chăn nuôi Mitraco thực hiện lệnh cấm trại. Việc tiếp xúc với bên ngoài, lơ là trong công việc được cảnh báo là con đường rộng mở để dịch bệnh xâm nhập. Vì thế, công việc phun thuốc khử trùng liên tục, tăng liều lượng và bán kính thực hiện được quán triệt, thực hiện nghiêm ngặt.
Ngay cả khi là chủ trang trại của hơn một nghìn con lợn nhưng ông Trương Xuân Bính, Giám đốc HTX chăn nuôi Minh Lộc, huyện Cẩm Xuyên chia sẽ, bản thân ông cũng không được phép quay trở lại ngay khi rời khỏi trang trại, cho dù đã được phun thuốc khử trùng. Công tác kiểm dịch do bộ phận chuyên trách, mọi hoạt động để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho trang trại vẫn là ưu tiên trên hết, phải tuân thủ.
Lệnh cắm trại ít nhiều gây ảnh hưởng đến tư tưởng, cuộc sống của công nhân lao động nhưng cho thấy hiệu quả hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh |
Theo lời ông Bính, vào thời điểm này bản thân giành hết thời gian ở trang trại, thường trực gần như 24/24, cùng công nhân tập trung cho công tác phòng dịch, chăm sóc con nuôi. Khi có việc quan trọng thì mới rời vị trí, nhưng để trở lại thì phải về nhà cách ly hai đến ba ngày, trước khi đến được phun thuốc khử trùng theo chỉ dẫn.
Để tiếp cận vào khu vực chăn nuôi của các trang trại lợn ở Hà Tĩnh thời điểm này là không thể, trừ những việc bất khả kháng. Mọi động thái đều được giám sát nghiêm ngặt, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì hàng nghìn con lợn có thể bị xóa sổ khi có dịch xuất hiện. Đây là bài học được ông Trần Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Tĩnh rút ra từ một số trang trại lợn ở tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để cảnh báo cho người chăn nuôi. Do sơ suất trong quá trình kiểm soát dịch mà nhiều trang trại ở hai địa phương này đã phải “ngậm đắng” tiêu hủy cả đàn hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn con lợn với bao công sức đầu tư của mình.
Quyết tâm không lơ là, bỏ cuộc
Con đường lây lan của dịch tả lợn Châu Phi được các nhà chuyên môn chỉ rõ: Qua không khí, nguồn nước, thức ăn, chất thải...Đặc biệt, thời gian tồn tại trong môi trường của loại vi khuẩn gây nên dịch bệnh này thường rất lâu. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có một loại vắc xin đặc trì đang khiến cho việc ngăn chặn dịch bệnh này ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng Trạm kiểm soát động vật trên tuyến QL 1A tại Hà Tĩnh chia sẽ với PV Báo TN&MT về tình hình hoạt động của phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn |
Trong khi đó, Hà Tĩnh với đặc điểm địa lý địa hình lại kéo dài, nằm trên đường QL1A, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua và tuyến giao thông QL8A nối cửa khẩu Cầu Treo với nước bạn nên những hoạt động buôn bán, vận chuyển vật nuôi đi qua địa bàn rất dễ để mang theo dịch bệnh. Ngoài ra, vào thời điểm này Hà Tĩnh thường xuyên xẩy ra mưa lũ nên dịch bệnh dễ lây lan nhanh, việc khống chế dịch vì thế gặp rất nhiều bất lợi, khó kiểm soát.
Trên thực tế, từ khi dịch tả lợn châu Phi được thông báo xuất hiện tại Hà Tĩnh, những nỗ lực của người chăn nuôi, ý thức bảo vệ môi trường chung, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp nên đến nay vẫn đang kiểm soát được diễn biến lây lan của dịch bệnh. Gần 2.700 hộ dân chấp nhận trắng tay vớ 16 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy không phải là nhỏ, cho thấy mức độ hủy hoại khủng khiếp của loại dịch bệnh này đến ngành chăn nuôi. Vậy nhưng, nếu Hà Tĩnh không có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, sự phối hợp giữa người dân và cơ quan chức năng thì mức độ thiệt hại đến thời điểm này chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh kiểm tra phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn, trên tuyến QL1A |
Tại Trạm kiểm soát động vật trên tuyến QL1A nằm tại thị xã Hồng Lĩnh được Chi cục Chăn nuôi-Thú y Hà Tĩnh cắt cử lực lượng túc trực 24/24h để phun hóa chất tiêu độc khử trùng, đồng thời quản lý chặt chẽ việc vận chuyển buôn bán, gia súc vào ra địa bàn. Mệt mỏi là tâm trạng dễ nhận thấy trên khuôn mặt những cán bộ, nhân viên đang ngày đêm thực hiện công việc kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật trên tuyến đường này.
Ông Trần Quốc Vượng- Cán bộ Trạm Kiểm soát thuộc Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Tĩnh chia sẽ: “Từ khi có dịch đến nay gần như tất cả con số được giao nhiệm vụ không khi nào vắng mặt, công việc nhiều gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường. Ngoài nắm bắt phương tiện vận chuyển để phun khử trùng, anh em chúng tôi còn có nhiệm vụ phát hiện những trường hợp lợn bị nhiễm dịch hoặc chủ phương tiện cố tình vận chuyển lợn bị nhiễm dịch để ngăn chặn, xử lý”.
Bên canh đó, ông Trần Hùng- Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Tĩnh chia sẽ thêm: “Ngoài việc giao nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên tại trạm kiểm soát, lực lượng còn lại của Chi cục Chăn nuôi -Thú y Hà Tĩnh thời gian qua còn tỏa xuống các địa phương để tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lập chốt kiểm tra vận chuyển, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát diện rộng”.
Khử trùng cho phương tiện đề phòng sự lây lan của dịch bệnh |
Đối với người chăn nuôi, đặc biệt là các chủ trang trại có quy mô lớn vì chưa có vắc xin đặc trị, chưa có một phác đồ phòng chống dịch rõ ràng thì họ xác định tự cứu lấy đàn lợn của mình, không lơ là, chủ quan. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học được xem bức tường tối ưu hiện nay có thể hạn chế được sự xâm nhập của dịch bệnh.
Mặc dù vậy, giải pháp này đang gây rất nhiều tốn kém, nếu về lâu dài sẽ khó khăn. Trong lúc chờ một giải pháp hữu hiệu hơn, người chăn nuôi lợn tại Hà Tĩnh trao đổi với phóng viên Báo TN&MT đều tỏ rõ quyết tâm không bỏ cuộc, bởi cứu được đàn lợn chính là cứu ngành chăn nuôi; môi trường sống và kinh tế người chăn nuôi sẽ giảm được thiệt hại. Tìm kiếm nguồn tài chính để đầu tư, tái cơ cấu con nuôi đang được các chủ trang trại gặp khó khăn trong vấn đề kinh tế tính đến.
Bài 3: Cần mạnh tay với những hành vi cố tình “gieo bệnh”
Đức Cảnh