Điện Biên: Nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Môi trường - Ngày đăng : 18:37, 22/10/2019

(TN&MT) - Nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tỉnh Điện Biên đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.

Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung về tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tăng cường các biện pháp sử dụng và tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK), thích ứng với BĐKH.

Người dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên thay đổi phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế phát thải khí nhà kính.

UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 29/3/2016, về Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, xây dựng khung hướng dẫn lồng ghép tăng trưởng xanh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương. Tăng cường rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, đặc biệt những ngành có tác động nhiều tới tài nguyên, môi trường, có hiệu quả sử dụng vốn và tài nguyên không cao, để xác định yêu cầu xanh hóa sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách có hiệu quả vào các quy hoạch hiện có và quy hoạch mới.

Cùng với đó, rà soát xây dựng phương án “Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế để nâng tỉ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng, tăng sinh khối để tăng tích trữ các bon và đảm bảo cung cấp gỗ cho sản xuất và tiêu dùng” và phương án “Phát triển rừng trên đất trống, đồi núi trọc”. Thực hiện các chương trình về giảm phát thải KNK thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), quản lý rừng bền vững, kết hợp với duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư các vùng, địa phương, hỗ trợ thích ứng với BĐKH.

Thực hiện xây dựng Quy hoạch nông thôn theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Nhân rộng các mô hình xây dựng làng, nhà ở sinh thái phù hợp với điều kiện khí hậu, phong tục tập quán, lối sống của từng dân tộc và địa phương. Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất ở nông thôn theo chu trình sinh thái khép kín, mô hình xử lý tốt chất thải làng nghề; triển khai cung cấp các giải pháp xây dựng công trình kinh tế và dân sinh thích ứng với BĐKH, chủ động phòng ngừa tác động của thiên tai và thực hiện cải thiện cơ cấu chất đốt ở nông thôn để giảm phát thải và nâng cao chất lượng sống cho người dân…

Điện Biên đang đầu tư nhà máy xử lý rác thải thải tập trung tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, người dân đã dần thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, sử dụng nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi phù hợp, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu, hạn chế và loại bỏ dần các máy nông nghiệp lạc hậu tiêu thụ nhiều năng lượng.

Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát sinh khoảng 264 tấn/ngày, trong đó: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 109 tấn/ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90%, tỷ lệ chất thải sinh hoạt đông thôn được thu gom đạt khoảng 12%.

Tỉnh Điện Biên đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 27/12/2014. Theo quy hoạch về quản lý chất thải rắn, trên địa bàn tỉnh gồm 4 trạm trung chuyển chất thải rắn, điểm tập kết đến năm 2020 là 36 điểm, dự kiến đến 2030 là 50 điểm; có 1 khu xử lý cấp vùng tỉnh, 9 khu xử lý cấp huyện; được phê duyệt bằng các các phương pháp xử lý (như chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu hủy bằng lò đốt, sản xuất phân vi sinh hoặc các phương pháp khác).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải thải tập tập trung. Theo thiết kế, công suất xử lý chất thải rắn là 120 tấn /ngày (giai đoạn 1 lắp đặt một lò đốt công suất 96 tấn/ngày tại bản Púng Min, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Trong thời gian tới, bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện triển khai các dự án xử lý rác thải tại các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa.

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng đẩy mạnh đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 10 nhà máy thủy điện đang vận hành, khai thác với tổng công suất lắp máy là 134MW; 6 nhà máy thủy điện đang xây dựng với tổng công suất là 104,2MW. Có 26 dự án thủy điện trong quy hoạch đang chuẩn bị đầu tư.

Bằng những giải pháp đồng bộ, tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường, góp phần thích ứng với BĐKH.

Hà Thuận