Khơi thông nguồn tài chính xử lý rác thải: Cần thoát tư duy ỷ lại
Môi trường - Ngày đăng : 17:37, 22/10/2019
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT - Bộ TN&MT khẳng định như vậy khi trao đổi với Phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh |
PV: Quan điểm của ông như thế nào về việc, chúng ta vẫn dùng ngân sách Nhà nước để chi trả cho việc xử lý rác thải?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
Theo tôi, việc sử dụng ngân sách để xử lý rác cần phải xem xét lại. Theo nguyên tắc của thị trường, rác do ai xả ra người ấy phải tự đi xử lý, tức là anh phải bỏ tiền ra thuê người khác xử lý. Nhà nước chỉ xử lý phần rác mà thuộc cái chung, ví dụ như rác quét đường hay thuộc về cơ quan công cộng của Nhà nước, các Bộ, ngành. Doanh nghiệp xả rác thì doanh nghiệp nộp tiền, người dân xả rác, người dân phải trả tiền. Tiền ấy phải đủ chi trả từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến khâu xử lý cuối cùng. Việc này hoàn toàn tính theo giá thị trường.
Xét theo nguyên tắc thị trường, ai xả nhiều, trả phí nhiều; xả ít, trả phí ít. Tôi khuyến nghị, việc thu phí thu gom, xử lý rác thải phải tính theo khối lượng.
PV: Việc thu phí theo khối lượng liệu có khó thực thi, khi mà hiện nay chúng ta vẫn đang thu ở mức đồng đều theo đầu người, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
Không thể để tồn tại lâu việc thu phí theo đầu người như hiện nay vì thu như thế là bất hợp lý, không công bằng. Việc thu phí phải thu theo khối lượng. Tôi lấy ví dụ, ở một địa phương, một phường chẳng hạn, thu theo khối lượng thì phải có bộ phận, cân đo, đong đếm. Ở Nhật Bản, người ta quy định túi ni lông đựng rác và tính phí dựa trên số lượng các túi rác thải ra hàng ngày. Tại Hàn Quốc, người ta cân trực tiếp, phí thu do doanh nghiệp và người dân nộp đương nhiên phải đủ cho cả bộ phận cân đo đó.
PV: Hiện nay, ở các địa phương đang có sự chênh lệch về mức giá trả cho doanh nghiệp xử lý rác. Điều này gây khó cho các địa phương trả mức thấp và doanh nghiệp cũng gặp rủi ro khi đầu tư. Ông có nhận xét gì về tình trạng này?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
Hiện nay, việc quản lý rác thải đã được phân cấp cho địa phương và mỗi địa phương phải chủ động để thu hút được doanh nghiệp xử lý rác. Doanh nghiệp phải tự đề xuất, đàm phán thỏa thuận.Thực tế, doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới làm, còn Nhà nước là bộ phận đại diện cho người dân để thỏa thuận với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ tính mức phí cho phù hợp để có tiền từ người dân (người xả rác) để trả cho doanh nghiệp. Việc này không thể cứng nhắc được. Nếu quy định mức không đủ chi phí thì phải tính lại, tính lại không đủ, phải quay lại thu phí của người dân cho đủ. Việc này phải minh bạch để người dân hiểu, doanh nghiệp hiểu, từ đó, hai bên mới “gặp nhau” và thống nhất một mức giá phù hợp.
PV: Từ thực tiễn phát sinh, có những nơi ùn ứ rác, có những nơi thiếu rác và thậm chí, doanh nghiệp phải mua rác từ những nơi khác đến để xử lý. Căn nguyên của vấn đề này là ở đâu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
Tôi cho rằng, nơi phải mua rác là do người ta đã áp dụng nguyên tắc thị trường khá tốt. Nơi ứ đọng rác có thể vẫn chưa có sự minh bạch, chưa có cách tiếp cận để cho người xử lý rác cùng với cơ quan Nhà nước thực hiện.
Trong câu chuyện này, cần nói đến trách nhiệm của địa phương. Năng lực quản lý của địa phương không đồng đều. Chúng ta phải xem lại khả năng quy hoạch xử lý rác địa phương ấy.
PV: Bộ TN&MT đã được Chính phủ giao là đầu mối thống nhất quản lý về chất thải rắn. Theo ông, điều này sẽ tạo nên những chuyển đổi như thế nào từ các cấp Bộ, ngành, địa phương để giải quyết một trong những vấn đề “khó” nhất của môi trường?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
Trước hết, việc quản lý là phải có đầu mối, từ đầu mối để đưa ra những chính sách, biện pháp quản lý phù hợp. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục quản lý việc xử lý rác từ Bộ xây dựng. Công việc trước đây Bộ Xây dựng làm tốt rồi thì chúng ra phát huy. Còn lại nhưng điều còn hạn chế, chúng ta phải tìm cách quản lý, biện pháp, cơ chế chính sách phù hợp hơn.
Điều quan trọng là chúng ta cần tìm ra mặt còn hạn chế trong quản lý chất thải rắn và cùng tháo gỡ “điểm nghẽn” ấy. Dựa trên thế mạnh của từng Bộ về chức năng quản lý, chúng ta tích hợp lại, cùng tạo nên sự tổng hợp trong quản lý, với vai trò đầu mối là Bộ TN&MT.
Thu gom rác thải. Ảnh: Hoàng Minh |
PV: Với sự thay đổi này trong công tác quản lý chất thải rắn, ông có tin vào sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
Tôi cho rằng, tới đây, việc quản lý rác thải nếu chúng ta tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, làm đúng theo nguyên tắc thị trường, chúng ta sẽ thành công. Có cầu ắt sẽ có cung, tức là việc xử lý chất thải sẽ can thiệp theo đúng nguyên tắc của nó. Ví dụ, để xử lý rác thải, có loại có 3 loại rác thải. Loại thứ nhất là rác thải độc hại, không ai xử lý thì Nhà nước đứng ra xử lý. Thứ hai là chất thải do thị trường thì thị trường xử lý. Thứ ba, rác do thị trường xử lý nhưng có cơ chế của Nhà nước can thiệp. Như vậy, với sự tham gia của doanh nghiệp, sự ủng hộ của người dân và Nhà nước tạo ra cơ chế sẽ tao động lực cho công tác xử lý rác.
Thực tế, rác không phải chỉ riêng của lĩnh vực môi trường, nó còn thuộc lĩnh vực kinh tế. Có nhiều người đã giàu lên từ rác, bởi rác chính là tài nguyên. Để khơi dậy được tiềm năng từ rác, cần phải thay đổi nhận thức và ứng xử văn hóa với rác. Khi tất cả đều đồng lòng thì trở thành “nếp trong đời sống xã hội.
Tôi tin rằng, lớp trẻ có ý thức ngày càng cao hơn, mức sống xã hội cũng đòi hỏi, chúng ta sẽ thực hiện được điều này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!