Giá xử lý rác mỗi nơi một kiểu

Môi trường - Ngày đăng : 17:36, 22/10/2019

(TN&MT) - Hiện nay, các địa phương đang áp dụng các giá xử lý khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau. Thực tế, tồn tại cùng một phương pháp xử lý nhưng đơn giá áp dụng tại từng địa phương là khác nhau.

Tại Bắc Giang, đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt được chia theo công nghệ đốt không phát điện và công nghệ đốt có phát điện. Tùy theo công suất, công nghệ xử lý và giai đoạn triển khai mà có mức giá tương ứng.Mức giá xử lý rác thấp nhất là 320.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt, mức cao nhất là 500.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt.

Còn tại tỉnh Thái Bình, đơn giá xử lý rác lại chia theo 3 công nghệ: Công nghệ chê biến phân vi sinh, công nghệ đốt không phát điện và không thu hồi năng lượng, công nghệ chế biến phân vi sinh kết hợp đốt. Với mỗi loại hình công nghệ này, địa phương phân chia theo công nghệ, thiết bị nước ngoài và trong nước. Trong đó, công nghệ trong nước có giá thấp hơn so với công nghệ nước ngoài. Mức giá cho trả tối đa (490.000 đồng/tấn) là cho công nghệ đốt không phát điện và không thu hồi năng lượng, sử dụng công nghệ nước ngoài, công suất xử lý từ 50 đến dưới 300 tấn/ngày. Mức giá trả thấp nhất (210.000 đồng/tấn) là cho công nghệ chế biến phân vi sinh trong nước, với công suất từ 500 đến dưới 1.000 tấn/ngày.

Cùng là công nghệ đốt rác nhưng mỗi địa phương lại trả phí xử lý khác nhau. Ảnh: Hoàng Minh

Tại tỉnh Quảng Trị, giá xử lý rác mà tỉnh này đang trả dao động từ 350.000 - 400.000/tấn. “Nếu chúng tôi trả quá thấp thì doanh nghiệp lỗ, không mặn mà đầu tư. Nếu trả cao, chúng tôi khó có thể cân đối được ngân sách”, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân trần. Với mức giá này, đến nay, Quảng Trị vẫn chật vật thu hút nhà đầu tư vào xử lý hai điểm đen ô nhiễm nghiêm trọng là bãi rác cũ của thành phố Đông Hà và bãi rác Khe Sanh.

Còn tại Đà Nẵng, hồi cuối tháng 9, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định 4365/QĐ-UBND phê duyệt Bộ tiêu chí Công nghệ - Môi trường - Kinh tế - Xã hội để đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (phường Hòa Khánh Nam). Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt 25 USD/1 tấn rác, đã bao gồm thuế VAT và chi phí xử lý các chất thải thứ cấp phát sinh.

Như vậy, có một điều hiện hữu là sự khác nhau về giá cho các công nghệ khác nhau do địa phương quy định. Thậm chí, cùng một công nghệ, nhưng mỗi địa phương cũng chi trả ở mức khác nhau. Đơn cử như đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt tại TP. Hồ Chí Minh là 510,234 đồng/tấn. Trong khi cùng công nghệ đó, đơn giá được áp dụng tại Hải Dương là 230.000 đồng/tấn.

Tình trạng chênh lệch về mức giá xử lý cho cùng một công nghệ không chỉ diễn ra tại các địa phương mà còn tồn tại ngay tại cùng một địa phương. Cùng một công nghệ chôn lấp TP. Hồ Chí Minh lại trả cho CITENCO là 369,706 đồng/tấn, trong khi đó, trả cho Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) là 22.098 USD/tấn tương đương 480.000 đồng/tấn. Tại tỉnh Bắc Ninh, áp dụng đơn giá xử lý tương ứng là 451.000 đồng/tấn và 396.000 đồng/tấn.

Chính sự khác biệt, có “độ vênh” về đơn giá xử lý rác thải giữa các địa phương hay ngay tại cùng một địa phương đã tạo nên không ít bất cập.

Đối với địa phương, với cùng một loại công nghệ, địa phương nào trả giá cao hơn sẽ thu hút được nhà đầu tư; trong khi đó, địa phương nào trả giá thấp hơn sẽ khó thu hút được nhà đầu tư có công nghệ tốt. Tình trạng rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc xã hội nảy sinh là điều khó tránh khỏi. Điều này cũng tạo tâm lý nhà đầu tư chỉ mong muốn đầu tư tại các tỉnh/thành phố có mức giá xử lý cao. Công tác xã hội hóa xử lý rác thải ở một số địa phương bị “nghẽn”.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư, sự chênh lệch trong mức giá xử lý rác cũng khiến doanh nghiệp khó xử. “Hiện nay, đơn giá mà các địa phương trả cho xử lý rác bằng phương pháp đốt còn thấp. Nếu làm chuẩn công nghệ sẽ rất khó khăn; nếu làm không chuẩn thì chỉ được 2 - 3 năm là “vỡ trận”, rác không xử lý được và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Việc bảo vệ đơn giá của doanh nghiệp thậm chí còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính cá nhân, do vậy, rất rủi ro khi đầu tư lớn và dài hạn”, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-TECH cho hay.

 

 

Yên Thi