Ách tắc vốn và quỹ đất cho nhà ở xã hội

Bất động sản - Ngày đăng : 15:34, 22/10/2019

(TN&MT) - Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (2016 - 2020) đã đi được 3/4 chặng đường. Theo kế hoạch, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội phải đạt mục tiêu 12,5 triệu m2 sàn nhưng hiện chỉ thực hiện 4,6 triệu m2 sàn.

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP. Hà Nội và TP.HCM đã nỗ lực giải quyết và đề xuất các biện pháp tháo gỡ cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Tuy vậy, tính đếnthời điểm này,TP. Hà Nội đạt 2,1 triệu m2 sàn, TP.HCM đạt gần 1 triệu m2 sàn. Cả nước mới đạt 4,6 triệu m2 sàn tương ứng 34% kế hoạch đề ra. Trong đó, vấn đề ách tắc nhất hiện nay là bài toán về vốn và việc bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp xây dựng NƠXH.

Doanh nghiệp bị kiểm soát chặt

Việc đầu tư xây dựng các dự án NƠXH, doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng như được vay lãi suất thấp trong vòng 10 năm. Tuy vậy, kể từ năm 2016, gói tín dụng này bị dừng giải ngân khiến doanh nghiệp không còn mặn mà.

“Kể từ khi nguồn vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ bị dừng khiến việc vay vốn để triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc, các dự án nhà ở xã hội không được xây dựng nhiều như trước” - ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý các dự án của Tổng Công ty Viglacera chia sẻ.

Theo ông Tuấn, chủ trương phát triển dự án nhà ở xã hội là chủ trươnglớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa rất nhân văn giúp người công nhân lao động, người thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu nhà ở. Chính vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước sớm tháo gỡ cơ chế vốn để các dự án NƠXH được triển khai rộng rãi hơn và thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia trong thời gian tới.

Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Hà Tây cho rằng, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp xây dựng dự án NƠXH là việc kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về thủ tục.

Khi triển khai các dự án NƠXH, doanh nghiệp bị kiểm soát về giá bán; hồ sơ người mua nhà. Trong khi việc xác định giá bán và ấn định lợi nhuận trước thuế ở mức 10% cho doanh nghiệp là rất khó vì quá trình triển khai dự án kéo dài 2 - 4 năm, hồ sơ quyết toán công trình phải chờ dự án xây xong nên không có cơ sở để xác định lỗ, lãi.

Bên cạnh đó, các ưu đãi khác như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng... bản chất vẫn là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không được hưởng do không được tính các khoản ưu đãi này vào giá bán, giá cho thuê mua NƠXH.

Cả nước có 204 dự án NƠXH, quy mô 85.000 căn, tổng diện tích xây dựng 4,2 triệu m2 sàn

Triển khai chính sách gặp khó

Quá trình triển khai Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017. Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc triển khai các chương trình NƠXH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê...

Theo nhận xét của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hệ thống chính sách đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được xây dựng rất đầy đủ. Bộ đã xây dựng nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Tuy vậy, vướng mắc vẫn là ở khâu tổ chức thực hiện ở phía chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất để thực hiện dự án. Nhiều địa phương chưa bổ sung quy hoạch quỹ đất NƠXH; chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong dự án đô thị để đầu tư dự án NƠXH.

Về phía doanh nghiệp, bài toán khó nhất là nguồn vốn. Nguyên nhân là do gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã kết thúc, nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay NƠXH. Theo kế hoạch nguồn vốn vay trung hạn để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là 19.000 tỷ đồng. Nhưng, Ngân sách Nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200 tỷ đồng, trong đó, năm 2018, giải ngân được 500 tỷ đồng, số vốn này chỉ dành hỗ trợ cho người mua nhà. Doanh nghiệp không được nhận hỗ trợ trong khi chưa có các nguồn tài chính khác để cho vay dự án NƠXH.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, nguồn vốn. Đặc biệt, nghiên cứu quỹ tiết kiệm nhà ở để tạo thêm kênh huy động vốn trung và dài hạn cho NƠXH. Bên cạnh đó, thúc đẩy các địa phương thực hiện Chỉ thị 03 của Thủ tướng trong việc rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp….

Thùy Linh