Đau tim và đột quỵ xảy ra nhiều hơn: Mối nguy hiểm do ô nhiễm cao

Thế giới - Ngày đăng : 12:45, 22/10/2019

(TN&MT) - Một nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ em và người lớn được đưa vào bệnh viện để cấp cứu nhiều hơn vào những ngày ô nhiễm cao ở các thành phố trên khắp nước Anh.

Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy sự tăng vọt trong những ca nhập viện và bác sĩ thăm khám tại nhà xảy ra vào những ngày ô nhiễm cao. Ảnh: Lewis Whyld / PA

Số ca nhập viện tăng cao do ô nhiễm nặng

Hàng năm, có hơn 120 ca trụy tim, hơn 230 ca đột quỵ và gần 200 người mắc bệnh hen suyễn cần phải nhập viện vào những ngày ô nhiễm cao so với mức trung bình vào những ngày ô nhiễm thấp hơn.

Dữ liệu cho thấy sự gia tăng căng thẳng về chất lượng không khí kém tạo áp lực kéo dài cho các nguồn lực khẩn cấp của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).

Simon Stevens - Giám đốc điều hành của NHS cho biết: “Những con số mới này cho thấy ô nhiễm không khí hiện đang gây ra hàng ngàn cơn đột quỵ, trụy tim và hen suyễn. Thực tế, tình trạng khẩn cấp về khí hậu cũng gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Những trường hợp tử vong có thể tránh được đang xảy ra ngay tại thời điểm này, không phải vào năm 2025 hay 2050. Vì vậy, chúng ta cần phải chung tay hành động ngay bây giờ”.

Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy sự gia tăng đột biến về số lần nhập viện và bác sĩ gia đình tới thăm khám vào những ngày ô nhiễm cao. Tuy nhiên, dữ liệu mới cung cấp số liệu chính xác cho 9 thành phố của Anh và cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa ô nhiễm không khí với các bệnh như: đau tim, đột quỵ và các bệnh về hô hấp.

Các nhà nghiên cứu xác định ngày ô nhiễm cao bằng cách chia một năm thành hai mức độ ô nhiễm: thấp và cao. Sau đó, so sánh số trường hợp mắc từng bệnh trong nửa năm với mức độ ô nhiễm cao hơn với số trường hợp tương tự mỗi ngày ở nửa năm còn lại.

Dữ liệu được thu thập bởi Đại học King London (KCL) ở Anh quốc liên quan đến thành phố này, nơi có thêm 339 trường hợp khẩn cấp mỗi năm xảy ra vào những ngày ô nhiễm cao hơn so với những ngày ô nhiễm thấp. Tại các khu vực khác của Anh cũng có nhiều trường hợp tương tự như: Birmingham có 65 trường hợp/năm, Bristol với 22 trường hợp/năm, Derby có 16 trường hợp/năm, Liverpool: 28 trường hợp/năm, Manchester: 34 trường hợp/năm, Nottingham: 19 trường hợp/năm, Oxford: 10 trường hợp/năm và Southampton: 16 trường hợp/năm.

Phần lớn các nghiên cứu gần đây về ô nhiễm không khí tập trung vào các tác động kéo dài suốt đời khi tiếp xúc liên tục với một chất độc hại trong một thời gian dài, bao gồm suy giảm nhận thức, trẻ em tăng trưởng chậm, tử vong sớm. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng diễn ra nhanh hơn.

Chống ô nhiễm: Cần hành động nhanh và mạnh mẽ

Jenny Bates - nhà vận động chống lại ô nhiễm không khí thuộc tổ chức Những người bạn của Trái Đất cho biết: “Nhiều người có thể không nhận ra ô nhiễm không khí ở mức độ cao nguy hiểm như thế nào và nó có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và hen suyễn cũng như gây ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. Những con số này sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo thành phố để thực hiện hành động mạnh mẽ nhất có thể”.

Chính phủ Anh đã cam kết chống ô nhiễm không khí trong Dự luật môi trường, các đề xuất được đưa ra sau bài phát biểu của Nữ hoàng. Các nhà hoạt động lo ngại các biện pháp được đề xuất sẽ mơ hồ và không đủ sức mạnh.

UK100, mạng lưới các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương trên khắp nước Anh đã cam kết chuyển toàn bộ sang năng lượng sạch vào năm 2050. Polly Billington - Giám đốc mạng lưới này cho biết: “Chúng tôi muốn các tiêu chuẩn ô nhiễm không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được đưa vào dự luật. Nó được coi như “tiêu chuẩn vàng” với thời gian biểu ràng buộc về mặt pháp lý để đáp ứng chúng. Điều đó tạo ra sự chắc chắn và cho phép lập kế hoạch dài hạn”.

Ngày 23/10 tới, Thị trưởng London Sadiq Khan và UK100 sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về không khí sạch với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom.

Chuyên gia y tế thuộc Nhóm nghiên cứu môi trường tại KCL, Heather Walton cho biết nghiên cứu này sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn so với những nghiên cứu khác có xu hướng tập trung vào ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến tuổi thọ, như ước tính ô nhiễm góp phần gây ra 36.000 ca tử vong mỗi năm ở Anh.

Các nhà nghiên cứu đã có thể đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về các tác động cấp tính đối với con người và tác động đối với các dịch vụ khẩn cấp. “Đây là bằng chứng bổ sung về sự cần thiết quan trọng đối với các biện pháp tiếp theo để giảm ô nhiễm không khí”, ông Walton cho hay.

Bates cho biết: Các khu vực không khí sạch là cần thiết, cũng như các biện pháp cắt giảm tất cả giao thông bởi vì tất cả các phương tiện đều gây ra ô nhiễm không khí bụi mịn gây chết người do phanh và mòn lốp. Nếu triển khai giải pháp này, cuộc khủng hoảng sức khỏe ô nhiễm không khí và tình trạng khẩn cấp khí hậu có thể được giải quyết cùng nhau, giúp các thành phố và thị trấn của chúng ta trong lành và thu hút hơn.

Bộ Môi trường, Lương thực và các vấn đề Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các hành động khẩn cấp để cải thiện chất lượng không khí và chống ô nhiễm để mọi người có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Dự luật môi trường mang tính bước ngoặt của chúng tôi sẽ đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm giảm thiểu hạt bụi mịn và tăng cường sức mạnh địa phương để giải quyết các nguồn ô nhiễm không khí chính”.

“Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để giảm lượng khí thải giao thông và sẽ đầu tư 3,5 tỷ bảng để làm sạch không khí, trong khi chiến lược không khí sạch của chúng tôi đã được WHO khen ngợi như một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác noi theo”, DEFRA nhấn mạnh.

Tuần trước, Cơ quan giám sát môi trường của châu Âu đã chỉ ra rằng có rất ít hoặc không có nhiều cải thiện trên khắp châu Âu về việc giảm thiểu ô nhiễm do hạt bụi mịn (PM2.5) gây ra. Đây là một trong những dạng ô nhiễm nguy hiểm nhất vì nó có thể nằm sâu trong phổi và xâm nhập máu.

Đan Ngân