Thừa Thiên Huế phát triển mô hình hợp tác xã lâm nghiệp bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 16:07, 21/10/2019
Các HTX lâm nghiệp bền vững tại Thừa Thiên Huế đang phát huy hiệu quả kinh tế cao |
Lợi ích lớn từ các HTX
Qua thống kê hiện nay, tổng diện tích rừng và quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế là 348.785 ha, trong đó diện tích đất có rừng 311.051 ha, rừng tự nhiên 212.180 ha. Độ che phủ rừng đạt 57,34%.
Công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất trong phát triển lâm nghiệp được các ban, ngành cẩn trọng. Để hạn chế tác động đến tài nguyên rừng, nhất là rừng tự nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích các hộ dân trồng rừng gỗ lớn có gắn với chứng chỉ FSC nhằm cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Cố gắng thực hiện đúng quy hoạch và quản lý quy hoạch thông qua giám sát hoạt động phát triển liên quan đến tài nguyên rừng, giám sát chặt chẽ dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ du lịch. Đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần đáng kể tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu, thời gian qua, công tác trồng rừng ở Thừa Thiên Huế đã có sự phát triển hiệu quả. Trên nền tảng đó, nhiều hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp được thành lập để đẩy mạnh và phát triển hơn về kinh tế lâm nghiệp.
HTX lâm nghiệp bền vững được thành lập với mục tiêu vì lợi ích của thành viên, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên trong HTX, đồng thời tiến tới đáp ứng nhu cầu thị trường, có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 15 HTX lâm nghiệp bền vững tại Thừa Thiên Huế gồm Hòa Lộc, Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Hòa (huyện Phú Lộc); Hương Phú, Thượng Nhật (huyện Nam Đông); Phú Sơn, Toàn Thắng, Toàn Tiến (thị xã Hương Thủy), Đông Sơn, Hồng Thượng (huyện A Lưới); Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thu (huyện Phong Điền) và Hồng Tiến (thị xã Hương Trà).
Sản xuất giống thân thiện môi trường phục vụ trồng rừng gỗ lớn |
Có thể kể đến một trong những mô hình HTX lâm nghiệp bền vững điển hình của Thừa Thiên Huế là HTX Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc). Theo báo cáo của HTX Hòa Lộc, dù chỉ đi vào hoạt động 6 tháng thí điểm nhưng mô hình HTX này đã thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, tạo cơ hội việc làm cho 30 công nhân trên địa bàn xã, chủ động đầu vào đầu ra trong sản xuất.
HTX sở hữu 804 ha rừng trồng, trong đó có 504 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, ngành nghề kinh doanh của HTX đăng ký theo dịch vụ nằm trong chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn gồm gieo ươm cây giống chất lượng cao thân thiện với môi trường, trồng và chăm sóc rừng, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng.
Trao đổi với PV, ông Hồ Đức Ngự - Phó Giám đốc HTX Hòa Lộc cho hay, mô hình HTX đang trên đà phát triển và ổn định dần. “Hiện nay chúng tôi đang tăng cường đầu tư thêm máy móc. Dưới sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đang trong quá trình mở rộng mặt bằng, kết hợp sản xuất mộc mỹ nghệ, xuất khẩu gỗ dăm và bán cho các doanh nghiệp trong nước...”, ông Ngự chia sẻ.
Trong khi đó, HTX lâm nghiệp bền vững Toàn Tiến (Thị xã Hương Thủy) gồm 13 hộ thành viên, với nguồn vốn điều lệ ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Sau khi thành lập, HTX Toàn Tiến đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng trang thông tin điện tử; xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế gỗ bằng vốn góp huy động của các thành viên, vốn hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển HTX.
HTX tiếp tục cam kết cung cấp toàn bộ gỗ lớn đạt tiêu chuẩn với khách hàng chiến lược là Công ty SP (Scancia Pacific); tìm kiếm thị trường và hợp đồng bao tiêu sản phẩm gỗ FSC không đạt quy cách gỗ lớn với yêu cầu giá cao hơn gỗ không FSC để hạn chế tình trạng ép giá nhằm gia tăng lợi ích cho thành viên...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bìa trái) đánh giá cao các mô hình HTX lâm nghiệp bền vững ở Thừa Thiên Huế |
Tiếp tục phát triển
Ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua thời gian triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn theo chứng chỉ FSC đã thu hút nhiều hộ trồng rừng tham gia. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC lên 6.000ha, nhằm hình thành chuỗi sản phẩm lâm nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
“Việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần đáng kể trong hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm tải quá trình sử dụng đất. Qua đó, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình trồng rừng này và đang từng bước từ bỏ phương thức trồng theo lối cũ”, ông Nguyên cho hay.
Cuối tháng 8 vừa qua, trong một chuyến làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về các HTX lâm nghiệp bền vững, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đánh giá cao các HTX lâm nghiệp ở Thừa Thiên Huế và cho rằng việc thành lập các HTX tiến đến hình thành liên hiệp các HTX lâm nghiệp là hướng đi rất phù hợp trong xu thế hiện nay.
“Đề nghị lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh cần tạo điều kiện để thu hút nguồn nhân lực với ngành nghề phù hợp tham gia làm việc tại HTX; nhất là lực lượng thanh niên đã tốt nghiệp các trường đại học để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ khởi nghiệp. Hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư phát triển chế biến lâm sản theo chính sách khuyến khích phát triển HTX của UBND tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng gỗ rừng trồng; góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và xây dựng HTX vững mạnh...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo thông tin từ Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, tỉnh này dự kiến cuối năm nay thành lập thêm 5 HTX lâm nghiệp bền vững và năm 2020 sẽ thêm 10 HTX...