Gồng mình cứu ngành chăn nuôi trong cơn “bão bệnh” ở Hà Tĩnh: Bài 1: Lao đao bởi dịch tả lợn châu Phi

Môi trường - Ngày đăng : 15:09, 21/10/2019

(TN&MT) - Dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế nông hộ và ngành chăn nuôi lợn. Riêng Hà Tĩnh, dịch đã khiến gần 2.700 hộ chăn nuôi lợn rơi vào tình cảnh “trắng đàn” do buộc phải tiêu hủy, tổng số lợn phải tiêu hủy đến nay đã lên đến gần 16 nghìn con.

Bùng phát nhanh, thiệt hại nặng nề

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Hà Tĩnh từ tháng 5, đến nay bệnh đã phát hiện ở hầu hết các huyện, thị với mức độ khác nhau, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Theo thống kê của cơ quan chức trách tại Hà Tĩnh, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại gần 2.700 hộ chăn nuôi thuộc 443 thôn, số lợn phải tiêu hủy gần 16 nghìn con với tổng trọng lượng 846.363 kg. Được biết, tổng đàn lợn hiện nay trên toàn tỉnh Hà Tĩnh là khoảng 400 ngàn con.

Dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi

Cẩm Xuyên là huyện có ổ dịch xuất hiện đầu tiên tại Hà Tĩnh (vào ngày 17/5), đến nay đã có 313 hộ tại 24 xã, thị trấn có lợn chết do mắc bệnh, nghi mắc bệnh tả lợn châu Phi. Mặc dù chính quyền cùng người dân đã dùng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể khống chế được sự lây lan, ở một số xã bùng phát dịch với tốc độ nhanh, số lợn bị nhiễm dịch phải tiêu hủy tăng rất mạnh như: Cẩm Yên, Cẩm Nam, Cẩm Thành, Cẩm Dương, Cẩm Quan, Cẩm Thăng, Cẩm Hòa Cẩm Bình, Cẩm Phúc… Đến nay, tổng số lợn phải tiêu hủy là khoảng 2 nghìn con.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà, trước tình hình lây lan phức tạp của dịch bệnh, huyện đã có ý kiến chỉ đạo ký cam kết không tăng đàn đối với các hộ chăn nuôi khi chưa công bố hết dịch; giám sát việc tiêu độc khử trùng đến 100% hộ chăn nuôi và phát động đợt tiêu độc khử trùng tại tất cả các xã; chấm dứt triệt để giết mổ trong các khu dân cư, lập lại các chốt trọng điểm để kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc, thức ăn gia súc trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Tại huyện Vũ Quang, sau khi phát hiện ổ dịch, chỉ trong vòng ba tuần đã có thêm 8 ổ dịch tả lợn Châu Phi với hơn 104 con lợn bị tiêu hủy (xã Đức Lĩnh 2, thị trấn Vũ Quang 2, Đức Bồng 2, Hương Minh 1, Đức Giang 1) với 104 con lợn bị tiêu hủy. Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Vũ Quang hiện có 26.384 con, thuộc 717 hộ, cơ sở chăn nuôi; trong đó nuôi quy mô lớn tập trung có 16 cơ sở với 20.100 con, nuôi quy vừa có 647 con với 2 cơ sở, còn lại là 699 hộ nuôi quy mô nhỏ.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tiến hành tiêu hủy đàn lợn sau khi phát hiện nhiễm dịch tả châu Phi

Ghi nhận phần lớn ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Hà Tĩnh tập trung những hộ chăn nuôi gia trại, mô hình đa trang trại, chưa thấy xuất hiện ở những trang trại tập trung có quy mô lớn, xây ra như hộ chăn nuôi nhỏ như: Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang phải tiêu hủy đàn lợn 13 con; đàn lợn 11 với tổng trọng lượng 630 kg của hộ ông Võ Huy Ấn ở thôn Đông Nam, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc;  tiêu hủy 47 con lợn vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi của gia đình anh Trần Văn Hùng, thôn Thọ Tường, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ… Những hộ chăn nuôi xuất hiện ổ dich rơi vào tình trạng “trắng đàn”.

Đặc biệt, đáng chú ý, sau những ngày mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi thường lây lan rất nhanh. Số lợn chết, số thôn xóm xuất hiện dịch bệnh cũng tăng lên. Chỉ riêng ở huyện Can Lộc, sau đợt mưa lũ cách thời điểm phát dịch hai tháng, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra tại 72 thôn xóm, tổ dân phố thuộc 17/23 xã, thị trấn với 470 hộ bị thiệt hại, số lượng hơn 2.500 con lợn bị tiêu hủy.

Khó khăn giữ chân công nhân…!

Theo chia sẻ của nhiều trang trại nuôi lợn tại Hà Tĩnh, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, kéo dài đã gây tốn kém kinh phí, nguồn lực . Mặc dù, ở những trang trại có quy mô lớn chưa để dịch bệnh lây lan và giá thịt heo trên thị trường đang tăng nhưng người chăn nuôi không thể bù lỗ vì chi phí quá lớn cho công tác phòng dịch.

Công nhân của Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh đang tiến hành tiêm vắc xin phòng biện cho đàn lợn con

Ông Hồ Sỹ Thảo- Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (một trong những đơn vị chăn nuôi có tổng đàn lợn thuộc diện lớn nhất Hà Tĩnh hiện nay, trên 40 ngàn con), cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của đơn vị hiện nay chính là tập trung phòng chống dịch. Những cơ sở trang trại chăn nuôi của công ty đều nằm trong khu vực ổ dịch, nhất là các trang trại liên kết chăn nuôi gia công với người dân nên rất khó để kiểm soát. Vì thế, chúng tôi quyết tâm tìm cách tháo gỡ những khó khăn, không cho phép lơ là”.

“Khi có cảnh báo dịch tả lợn Châu Phi, ngay từ đầu năm công tác phòng dịch đã được đơn vị hết sức chú tâm, triển khai. Cùng với đó là thực hiện lệnh cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập. 100% con số từ lãnh đạo đến công nhân phải trực thường xuyên, dài ngày. Để dịch bệnh không xâm nhập vào khu vực trang trại tập trung của công ty ở các huyện như Kỳ Anh, cẩm Xuyên, Thạch Hà  đến thời điểm hiện nay cũng đã là một nỗ lực đáng được ghi nhận rồi. Tuy nhiên, chi phí cho công tác kiểm soát dịch quá lớn, gấp ba, gấp bốn lần so với bình thường”, ông Thảo nói.

Được biết, việc đối phó với dịch bệnh cũng đang khiến Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco gặp những trở ngại rất khó giải quyết. Để đảm bảo an toàn cho công tác phòng dịch, việc cấm trại đã làm cho cho cuộc sống công nhân bị đảo lộn, ảnh hưởng đến tư tưởng, sinh hoạt, trong đó có gần 30 công nhân lành nghề xin nghỉ việc đang là bài toán hết sức nan giải. Bên cạnh, việc tuyển dụng lao động mới vào chưa thể đáp ứng ngay, đặc biệt trong thời điểm đang có dịch. Đây cũng là bối cảnh của nhiều trang trại có quy mô chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay.

Cùng chung cảnh tương tự, ông Trương Xuân Bính – Giám đốc HTX chăn nuôi Minh Lộc, huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh mà ngành chuyên môn khuyến cáo nên trong “bão" dịch tả lợn châu Phi, trang trại hơn 1000 của chúng tôi vẫn “đứng vững”. Chỉ có điều giá lợn hơi trên thị trường đang có xu hướng tăng nhưng doanh nghiệp chăn nuôi vẫn thua lỗ”.

Ngoài chi phí phòng dịch, theo lý giải của chủ trang trại HTX Minh Lộc, với cơ cấu con nuôi của trang trại là tập trung vào lợn nái nhưng trong bối cảnh chủ trương không tăng đàn khi chưa công bố hết dịch đã thu hẹp thị trường tiêu thụ. Số lợn nái không bán được, tồn kho chuyển thành nuôi lợn thịt làm cho giá trị con nuôi giảm mạnh. Còn nữa, số lợn thịt hiện có ở trang trại cũng phải xuất chuồng sớm hơn khi chưa đủ trọng lượng nhằm đề phòng dịch xâm nhập bất cứ lúc nào cũng đã gây thiệt hại không nhỏ.

 Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco đã tiến hành khử trùng thường xuyên với bán kính rộng để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Trần Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Khoảng hai tháng lại nay, bình quân mỗi ngày phát hiện, tiêu hủy 40-50 con lợn tại Hà Tĩnh. Do vậy, khuyên cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt khi chưa có công bố hết dịch để tránh rủi ro. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lập chốt kiểm tra vận chuyển, khử trùng.

“Thực trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin đặc trị, dẫn đến dịch bệnh lan rộng làm thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi. Nhưng nhờ những nỗ lực của ngành chăn nuôi, đặc biệt là các chủ trang trại mà đến thời điểm hiện nay, ở các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa để xẩy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi. Cần tập trung cao độ, tránh tình trạng bỏ cuộc vì tốn kém, mệt mỏi trong công tác phòng dịch”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Bài 2: Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Đức Cảnh

 

 

Đức Cảnh