TP.HCM: Cần cơ chế “đặc thù” về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Đất đai - Ngày đăng : 16:55, 17/10/2019
Nhu cầu sử dụng đất lớn
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM: Từ năm 2003 đến năm 2018, TP.HCM đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.730 dự án, với tổng diện tích 18.593,2 ha, trong đó, có 810 dự án nhà ở với diện tích 6.687,3 ha; 896 dự án sản xuất kinh doanh với diện tích 6.961,4 ha và 869 dự án phúc lợi công cộng với diện tích 4.574,5 ha...
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chuẩn bị triển khai nhiều dự án lớn, nhu cầu sử dụng đất lên tới hàng ngàn ha như: Đường Vành đai 3, đường cao tốc TP.HCM - Tây Ninh; tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng khu đô thị mới có quy mô lớn tại Củ Chi, Hoóc Môn...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời, cũng là nguyên nhân chính của đa số các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai trong thời gian qua. Điển hình nhất là ở Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao TP.HCM…
Thời gian qua, TP.HCM đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết định liên quan đến đền bù, hỗ trợ, tái định cư, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; trong đó, thành phố dành nhiều sự quan tâm tới người sử dụng đất, đặc biệt là những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản, quyết định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM với nhiều quy định mới nhằm đem lại những lợi ích cho người dân, đặc biệt là việc đảm bảo cuộc sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất.
Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm sắp triển khai, TP.HCM cần được áp dụng một số quy định có tính đột phá trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..
Hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất |
Sớm có cơ chế “đặc thù”
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung trong cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt Khung chính sách cho tất cả các trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài (ODA) chỉ thực hiện thu hồi đất trên địa bàn thành phố; hướng dẫn thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với tài sản công.
Dự kiến, cơ chế, quy trình “đặc thù” rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố được xác định trong 3 khung thời gian.
Thứ nhất, tối đa 240 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để hoàn thành việc ban hành 5 loại quyết định trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thứ hai, tối đa 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thứ ba, tối đa là hoàn thành việc thu hồi đất và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Nếu 100% người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, sớm nhất là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất; nếu có dưới 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 60 ngày và chậm nhất là 120 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước; nếu có trên 5 trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất thì sớm nhất là 120 ngày và chậm nhất là 180 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất hoặc gửi tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.