TP.HCM giám sát chấp hành bảo vệ môi trường các khu công nghiệp

Môi trường - Ngày đăng : 16:54, 17/10/2019

(TN&MT) - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM vừa có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN, cụm công nghiệp (CCN), khu chế xuất (KCX) và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện, thành phố có 17 KCX, KCN và 1 khu công nghệ cao, tất cả đều đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Để tăng cường kiểm soát, Sở TN&MT đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cho toàn bộ nước thải đầu ra để truyền số liệu này về sở cũng như Ban quản lý các KCX, KCN thành phố để cùng giám sát. Tổng cộng 17 trạm quan trắc đặt tại các KCX, KCN và 35 doanh nghiệp có nguồn thải lớn đã được kết nối dữ liệu. Riêng KCN Lê Minh Xuân được lắp trạm quan trắc tự động và giám sát 24/24 giờ.

Đến nay, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các KCN, KCX đã ổn định và kiểm soát được tình hình phát sinh ô nhiễm. Việc ủy quyền công tác quản lý Nhà nước về BVMT tại các KCN, KCX cho Ban quản lý các KCN, KCX thành phố đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả cơ chế “một cửa - tại chỗ”. Các trường hợp gây ô nhiễm môi trường đã được xử lý kịp thời; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về các quy định BVMT được thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp trong các KCN, KCX.

Tuy vậy, ông Trần Nguyên Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường  (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách như ưu đãi vốn vay; hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm; ưu đãi giá thuê đất… Chỉ riêng chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các KCN, CCN và vùng phụ cận đã giúp 1.402 cơ sở ngưng sản xuất, di dời, chuyển đổi công nghệ. Tuy vậy, khi các khu dân cư giảm ô nhiễm do phát thải từ sản xuất, ô nhiễm môi trường từ các KCX, KCN đã tiếp tục tăng lên.

Khu Công nghiệp Tân Phú Trun (huyện Củ Chi)

Đại diện Ban quản lý KCX, KCN TP.HCM (Hepza) thừa nhận, tình trạng vi phạm môi trường tại các KCN, KCX vẫn gia tăng theo mỗi năm. Cụ thể, năm 2016 là 6 trường hợp; đến năm 2017, số doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện và xử lý là 9 trường hợp; trong năm 2018, đã quyết định xử phạt 23 doanh nghiệp với số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Cùng với đó, nguồn thải ô nhiễm từ khí thải lại có chiều hướng gia tăng.

Điển hình như, trong năm 2018, KCN Lê Minh Xuân đã bị Cảnh sát môi trường xử phạt hơn 2 tỷ đồng về hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh. Phải chờ đến khi có kết luận của Thanh tra thành phố, hiện, chủ đầu tư KCN Lê Minh Xuân mới tiến hành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ 6.000m³/ngày đêm lên 8.200m³/ngày đêm và tiếp tục nâng công suất lên 12.200m³/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu thu gom nước thải tại đây.

Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết, hiện nay, quận đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế trong quá trình phối hợp quản lý. Cụ thể, các trường hợp người dân phản ánh về môi trường đối với doanh nghiệp hoạt động trong các KCN trên địa bàn, theo quy định, UBND quận không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý trực tiếp các doanh nghiệp mà phải kiến nghị Sở TN&MT, ban quản lý kiểm tra, xử lý nên không kịp thời giải quyết các phản ánh của người dân.

Tại buổi giám sát, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM) nêu một số khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. “Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát môi trường là phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Do đó, cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và tiến hành kiểm tra đột xuất để xác lập vi phạm nhưng cơ quan chuyên ngành lại hoạt động giờ hành chính nên rất khó khăn trong phối hợp để kiểm tra” - vị đại diện cho biết.

Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, mức tiền các hành vi vi phạm theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT tương đối cao, đủ sức răn đe nhưng việc chấp hành của các cơ sở chưa nghiêm. Các quy định pháp luật còn sơ hở, chồng chéo, thiếu nhất quán đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật. Do đó, cần tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo tính minh bạch, dễ vận dụng, tránh tùy tiện, tăng tính nghiêm minh, đảm bảo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật dạt hiệu quả….

Ngoài ra, các đại biểu đều cho rằng, thời gian tới, phải tăng cường kế hoạch kiểm tra dày đặt những doanh nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm tra cần phải tiến hành đột xuất, tránh tình trạng kiểm tra có kế hoạch thông báo trước cho doanh nghiệp, hiệu quả không cao.

Trước những khó khăn trên, UBND TP.HCM đã có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ. Theo đó, UBND thành phố đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm điều chỉnh các nội dung liên quan đến nghị định đã ban hànhhướng dẫn thi hành Luật BVMT. TP.HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước để đơn vị vi phạm.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh