Người trẻ khó sở hữu nhà

Đất đai - Ngày đăng : 15:52, 17/10/2019

(TN&MT) - Năm năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM liên tục tăng từ 50 - 60%. Trong khi đó, mức thu nhập trung bình của người trẻ dưới 30 tuổi chỉ dao động từ 9 - 20 triệu đồng/tháng, khiến giấc mơ an cư của họ ngày càng xa vời.

Theo báo cáo thị trường quý 3/2019 của DKRA Việt Nam, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ khoảng 9 -10 triệu đồng/tháng đến dưới 20 triệu đồng/tháng.

Theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, đạt mức 23%. Trung bình mỗi năm, tại TP.HCM có khoảng 50.000 cặp đôi kết hôn. Nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.

Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22 m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19,4 m2/người. Dân số gia tăng bình quân 1 triệu người trong vòng 5 năm.

Mặc dù, nhu cầu về nhà ở gia tăng song nghịch lý đang xảy ra, chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà cũng đã tăng 50 - 60%, từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý 2/2019 không có nguồn cung mới. Do đó, cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu ngày càng xa vời, trong khi những dự án BĐS mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm.

Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, căn hộ dưới 1 tỷ đồng đã là chuyện quá khứ. Một căn hộ 55m2 hiện có giá thấp nhất lên tới 1,4 tỷ đồng, thậm chí, còn cao hơn nhiều. “Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ ngày càng khó, khi những dự án BĐS mới có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm”, ông Lâm chia sẻ.

Các chuyên gia tài chính nhận định, một người trẻ với thu nhập 15 triệu đồng/tháng nếu mua nhà 1,5 tỷ đồng, trong đó, vay ngân hàng 50% (tương đương 750 triệu), sau khi trừ hết gốc và lãi trả góp mua nhà, chỉ còn lại 3,8 triệu đồng/tháng, không sống nổi ở TP.HCM. Chưa kể không phải ai cũng có được khoản tiết kiệm ban đầu kha khá để tính đến chuyện mua nhà.

Theo lãnh đạo một tập đoàn địa ốc, để mua được nhà tại TP.HCM, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà. Trước hết, phải có tối thiểu 30% giá trị căn nhà tích cóp trước hoặc trợ giúp từ gia đình mà không phải lo trả nợ. Chẳng hạn, mỗi tháng trả tiền nhà 10 triệu đồng, thu nhập phải tối thiểu 20 triệu đồng vì còn chi tiêu cho gia đình.

Để giải quyết bài toán sở hữu nhà ở cho người trẻ, DKRA Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình, thủ tục thuận tiện hơn cho người dân có nhu cầu; đồng thời, có những cơ chế phù hợp cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình nhà ở xã hội.

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: THỤC VY