Luật Đất đai sẽ sửa đổi việc đền bù, giải phóng mặt bằng sát giá thị trường

Đất đai - Ngày đăng : 15:46, 17/10/2019

(TN&MT) - Mặc dù, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều bước tiến mới về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ nhưng trên thực tế, có không ít các dự án phát triển kinh tế - xã hội bị chậm tiến độ mà nguyên nhân là gặp khó khăn về vấn đề này.

Theo PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), hiện nay, tình trạng khiếu kiện tập trung nhiều nhất ở đất đai, trong đó, liên quan nhiều nhất cũng là lợi ích kinh tế đất đai. Mức đền bù khiến người dân không hài lòng, việc đền bù của nhà đầu tư cũng chưa thỏa đáng. Thậm chí, Nhà nước phải bỏ tiền ra để đến bù vẫn không đạt được thoả thuận với dân.

Nguyên nhân là do Luật Đất đai hiện hành chưa làm rõ như thế nào là giá thị trường và tổ chức nào xác định giá trị thị trường đó. Chính vì vậy, có hiện tượng, Nhà nước và chủ đầu tư cho rằng, đã định giá theo giá thị trường nhưng người dân không đồng thuận với giá đó và quan niệm giá thị trường là giá đang giao dịch. Đây là vấn đề mấu chốt cần phải làm rõ khi sửa đổi Luật Đất đai.

Một vấn đề quan trọng khác cần bàn đến là về trình tự, thủ tục thu hồi đất, theo nhiều chuyên gia, các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP… nên không dễ dàng để người thi hành và người dân có hệ thống được đầy đủ và hiểu đúng quy trình thực hiện việc thu hồi đất.

Luật Đất đai hiện hành chưa làm rõ như thế nào là giá thị trường và tổ chức nào xác định giá trị thị trường. Ảnh: MH

Về trình tự thủ tục thu hồi đất không quy phương pháp ghi nhận hiện trạng khu đất bị thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 93, Luật Đất đai năm 2013, các tài sản gắn liền với đất được tạo lập sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không được bồi thường nên việc ghi nhận hiện trạng khu đất bị thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất.

Trong thực tiễn, nhiều vụ việc có sự tranh chấp không thống nhất được tài sản gắn liền với đất giữa người đang sử dụng đất bị thu hồi với hội đồng bồi thường giải tỏa đặc biệt là các loại cây trồng và những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo. Nguyên nhân là do người đang sử dụng đất bị thu hồi cố tình tạo lập tài sản đón đầu việc bồi thường nhằm mục đích nâng giá trị đất và tài sản trên đất khi bị Nhà nước thu hồi đất. Mặt khác, đây cũng là một kẽ hở để những người có chức quyền trong hội đồng đền bù giải tỏa nâng khống số lượng cây trồng, vật nuôi hoặc tạo điều kiện tiếp tay cho người sử dụng đất bị thu hồi tạo dựng tài sản gắn liền với khu đất bị thu hồi.

Để giải quyết vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Trong đó, có nêu rõ, sẽ xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường, đồng thời, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường; giá đất được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó, có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng.

Về định giá đất, khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ TN&MT có trách nhiệm thực hiện: Tổ chức nghiên cứu, đề xuất việc đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững…                   

Thúy Nhi