Tìm giải pháp phát triển hệ thống giao thông vùng ĐBSCL

Thời sự - Ngày đăng : 15:54, 18/06/2019

(TN&MT) - Sáng 18/6 tại TP.HCM, trong khuôn khổ Diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019, đã diễn ra Diễn đàn chuyên đề: “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL”.

Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL; các tổ chức trong nước và quốc tế…

g1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Diễn đàn

Hạ tầng giao thông là "điểm nghẽn" của ĐBSCL

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,26% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Các công trình, dự án trọng điểm gồm: đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương; các cầu lớn: Cổ Chiên, Năm Căn, Mỹ Lợi, Năm Căn, Cái Tắt, An Hữu, Rạch Sỏi và phà Đại Ngãi; mở rộng Quốc lộ (QL) 1 Cần Thơ - Phụng Hiệp; hoàn thành tuyến Nam Sông Hậu; nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1; phát triển giao thông vận tải thủy 13 tỉnh ĐBSCL; luồng tàu biển lớn vào sông Hậu; một số công trình tại cảng hàng không Phú Quốc, Cần Thơ...

Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Các công trình, dự án trọng điểm gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình; luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Dự án kết nối vùng đồng bằng Mê Kông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, QL 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, tuyến tránh Cai Lậy, tuyến tránh Sóc Trăng...

Trong đó, riêng từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến tránh TP. Long Xuyên, QL 57 Bến Tre và Vĩnh Long, QL 53 Trà Vinh - Long Toàn, QL 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Tuy nhiên, các đại biểu tham gia Diễn đàn đều cho rằng, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM là trung tâm, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với gắn kết vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu để đảm bảo giao thông thông suốt giữa các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM cũng là các tỉnh trọng điểm phía Nam là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam các tuyến cáo tốc, vành đai, quốc lộ, đường sắt, luồng thủy kết nối phải được đầu tư và hoàn thành giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay một số trục kết nối mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang quá trình nghiên cứu đầu tư. Nên cơ sở hạ tầng kết nối mặc dù được cải thiện nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông vẫn chưa được sự hỗ trợ và động thuận cao; vận tải đường sắt, đường thủy chưa được quan tâm đúng mức.

Đồng thời, luồng tuyến giao thông đường thủy dày đặc nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến đường giao thông huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistics rất yếu kém, hầu hết chưa hình thành.

Vì vậy, theo ông Võ Văn Hoan cho rằng: Do kết nối vùng về giao thông còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết, chi phí vận tải tăng cao, làm ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL và TP.HCM.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng của cả nước nhưng hạ tầng giao thông đang là “điểm nghẽn”. Trong thời gian, qua tổng vốn đầu tư còn thấp so với các khu vực khác trên cả nước nên nên hệ thống giao thông vùng ĐBSCL chưa đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dân số ĐBSCL là 20 triệu người, tức là chiếm 20% dân số của cả nước. Vì vậy, mức đầu tư cho giao thông tại vùng này cũng phải chiếm 20% của cả nước thì mới tương xứng. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2015 chỉ chiếm 12,5% và giai đoạn 2015 - 2020 chiếm 15,15%. Nguyên nhân là do ĐBSCL là vùng đất yếu, có rất nhiều kênh rạch chảy qua nên xuất đầu tư cao, trong khi vốn đầu tư lại thấp.

g2
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu

Ưu tiên các công trình cấp bách

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong thời gian tới, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH thì tổng mức đầu tư cho giao thông vùng ĐBSCL sẽ được ưu tiên bố trí kịp thời, tương xứng để hoàn thành các quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt. Trong đó, trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung nguồn vốn đểưu tiên thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch, cấp bách. Trong đó, có 3 trục dọc lớn, gốm: cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; Quốc lộ 60 với điểm nhấn là cầu Rạch Miễu 2 và Đại Ngãi; trục Đồng Tháp 10 với các tỉnh ĐBSCL.

Đồng thời, sẽ  ưu tiên phát triển đường Vành đai 3, 4 của TP.HCM kết nối ĐBSCL với hệ thống cảng tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ nhằm tránh nội đô TP.HCM. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên để đầu tư  3 trục giao thông ngang: Trà Vinh, Tiên Giang, Đồng Tháp - Campuchia; Bạc Liêu - Kiên Giang - Campuchia; Sóc Trăng, Cần Thơ - An Giang - Campuchia. Bên cạnh đó, sắp tới Bộ GTVT sẽ tiến hành lập dự án nâng cấp tuyến QL 1 từ TP.HCM - Cần Thơ xuống Cà Mau.

Về giao thông đường thủy, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung các dự án khai thông các tuyến kênh; nâng cấp một số cây cầu để nâng tĩnh không thông thuyền cho tàu thuyền dễ dàng đi lại; nghiên cứu một cảng nước sâu cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, ưu tiên vận tải ven biển, góp phần giảm tải đường bộ và hạ giá thành. Về đường hàng không, Bộ GTVT sẽ xúc tiến mở thêm các đường bay mới tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ; về đường sắt sẽ triển khai các bước nghiên cứu để hình thành tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Cũng tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội cảng, đường thủy và thềm lục địa Việt Nam cho biết: ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên có nhiều điều kiện để phát triên giao thông đường thủy, hệ thống giao thông này có thể đến tận nhà dân nên Nhà nước cần phải đưa ra quy định, hướng dẫn người dân đầu tư phương tiện phù hợp, đúng tuyến.  

Đồng quan điểm trên, ông Hồ Hoàng Tất, Giám đốc Sở GTVT Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương cần quan tâm, khai thác hệ thống đường thủy kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Bởi, đây là loại hình vận tải có lợi thế của các địa phương vùng ĐBSCL do chi phí vận tải thấp, vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, là giải pháp quan trọng để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ. Cà Mau cũng kiến nghị sớm đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai thành cảng biển trung chuyển quốc tế, đây là cửa ngõ cực nam của Tổ quốc kết nối giao thương với quốc tế rất thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Ông Tống Trần Tùng, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam thì cho rằng: Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp như hiện nay thì việc huy động các nguồn lực đầu tư tư nhân để triển khai các công trình giao thông là cần thiết. Vì vậy, chúng ta phải chính sách tuyên truyền để giúp người dân hiểu được điều đó để thực hiện nghĩa vụ trả tiền phí khi tham gia các tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT.

g3
Quang cảnh Diễn đàn chuyên đề về giao thông 

TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: Để phát triển đồng bộ kết nối giao thông giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL cần có cơ chế chính sách riêng để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách tham gia phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối vùng ĐBSCL như theo quy hoạch được duyệt.

TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương cần ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm  của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng, có sự kết nối  với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai và hoàn thành một số dự án trọng điểm cấp bách trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đối với các dự án trọng điểm cấp bách, cho phép tách riêng dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Điển hình như như dự án đường Vành đai 3,4 của TP.HCM.

Đối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM kiến nghị được giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức kêu gọi  đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) có sự hỗ trợ của Nhà nước (phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Đối với dự án QL 50 mới song song - Trục động lực (QL 50B): TP.HCM đã thống nhất tỉnh Long An đầu tư thuộc địa phận TP.HCM đến huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) dài 8km theo hình thức PPP trong giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét kiến nghị của tỉnh Long An về bổ sung quy hoạch và đầu tư đảm bảo đồng bộ, thông suốt.

TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm thực hiện nâng cấp tuyến đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng (dài 9,5km) theo quy hoạch là tuyến đường sắt trên cao, nhằm giảm  ùn tắc giao thông và giảm nguy cơ tai nạn giao thông cho khu vực nội đô thành phố. Đối với tuyến đường thủy  Sài Gòn - Kiên Lương (qua kênh Tháp Mười) và tuyến Sài Gòn - Bến Kéo (tỉnh Tây Ninh), TP.HCM đề nghị sớm cải tạo nâng cấp luồng sông đoạn Chợ Đệm - Bến Lức dài 4,8 Km đạt chuẩn cấp III.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề nghị cần có cơ chế điều phối phát triển đa phương cấp vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các Bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, cần sớm có Luật Đầu tư đối tác công tư, làm cơ sở thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và khuyến khích kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Nguyễn Quỳnh