Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững thích ứng BĐKH
Thời sự - Ngày đăng : 21:55, 01/07/2019
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững được xác định rõ theo 3 vùng (vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển). Dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành vùng ổn định, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt. Cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm địa phương - chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT cũng xác định các ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết 3 khâu là giống, thức ăn và chế biến nông lâm thủy sản. ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tăng cường thâm canh bền vững, giảm tối đa sử dụng vật tư, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho vùng chuyên canh, các cụm/khu công nghiệp chế biến, các hệ thống thương mại hậu cần, chuỗi bảo quản lạnh để kết nối thị trường.
“Quy hoạch ĐBSCL sẽ tích hợp, đa ngành, lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp ‘không hối tiếc’ có điều phối liên vùng, liên kết ngành, lĩnh vực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn vùng. Huy động nguồn lực tổng thể của Nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, định hướng các vùng cũng được xác định rõ. Trong đó, vùng thượng: Phát triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng đóng vai trò điều tiết và hấp thụ lũ cho ĐBSCL.
Vùng giữa: Phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Bên cạnh đó, phát triển một số vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp và thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải. Vùng đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển.
Cuối cùng là vùng ven biển: Phát triển nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản; kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, các cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn.
Cũng theo Bộ trưởng NN&PTNT, đề án tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đặt mục tiêu rất cụ thể cho 3 ngành chủ lực thủy sản, trái cây và lúa gạo. Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành tôm và cá tra ở quy mô công nghiệp sản xuất lớn, hướng mạnh ra xuất khẩu. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000 ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái). Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản.
Khai thác thủy sản cũng được cơ cấu lại theo hướng phát triển các tổ đội công suất lớn, hợp tác xã, đồng quản lý và quản lý dựa vào cộng đồng với hệ thống tàu hậu cần, công nghiệp phụ trợ, các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu dịch vụ hậu cần ven biển và trên các đảo, nhằm khai thác các ngư trường lớn ở biển Tây và biển Đông; hợp tác khai thác trên các vùng biển chung phù hợp luật pháp quốc tế.
Đối với ngành trái cây sẽ tập trung phát triển theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao, với 10 loại trái cây chủ lực là: Xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm. Đến năm 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200.000 ha, đưa tổng diện tích trái cây lên khoảng 680.000 ha.
Đối với lúa gạo, giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000-300.000 ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1-2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản. Tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn. Cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp.
Về các giải pháp triển khai tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến hiệu quả cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nêu những giải pháp cụ thể như: Các quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ được rà soát lại và xây dựng theo hướng tích hợp đa ngành, gắn kết chặt chẽ phát triển nông nghiệp và phát triển chung về kinh tế, xã hội;
Bộ trưởng cho rằng, quan trọng nhất là tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị. Từ đó, hình thành cơ quan điều phối ngành hàng vùng. Xây dựng lực lượng chuyên trách hỗ trợ thành lập các HTX, phát triển các HTX hoạt động hiệu quả. Xây dựng chương trình thu hút đầu tư phát triển chuỗi, chương trình thông tin dự báo và phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần chú trọng tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển các viện nghiên cứu của vùng đủ mạnh về nguồn lực. Chương trình nghiên cứu giống, tập trung vào thủy sản, trái cây chủ lực, lúa chất lượng cao. Chương trình thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ; thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.
“Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng thuận thiên. Các chính sách hướng đến: Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả; tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, theo mô hình liên kết “cánh đồng lớn” đặc trưng của ĐBSCL; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp “đầu tàu”; thực hiện miễn, giảm thuế, thúc đẩy tín dụng ưu đãi và triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của vùng, nhất là tôm, cá tra” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.