Kiến tạo để Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng: Đối tác nước ngoài cam kết đồng hành với Việt Nam

Thời sự - Ngày đăng : 11:14, 27/07/2019

(TN&MT) - Các đối tác nước ngoài đã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ, tích cực hỗ trợ cho các chương trình, dự án về BĐKH tại ĐBSCL nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam: ĐBSCL đặc biệt quan trọng với khu vực và thế giới

Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam
Ông Craig Chittick

Qua gần 2 năm, kể từ Hội nghị ĐBSCL tại Cần Thơ vào tháng 9/2017, các đối tác chứng kiến việc thực thi những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với ĐBSCL đã được đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP. Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng Quy hoạch tổng thể tích hợp vùng ĐBSCL, dựa trên những bằng chứng, thông qua các vòng tư vấn sâu rộng và dựa trên các kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Chỉ khi kết nối tất cả các bên liên quan - Chính phủ, tổ chức nghiên cứu, hiệp hội xã hội, đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các cộng đồng, chúng ta mới có thể xây dựng được Quy hoạch tổng thể tích hợp để ĐBSCL là một hệ thống thống nhất.

Tôi cho rằng, ĐBSCL cần có cơ chế điều phối vùng mạnh, có đủ thẩm quyền để thúc đẩy tiến trình triển khai, điều phối các hoạt động, nguồn lực tại các vùng khác nhau và để có thể đưa ra quyết định phân bổ vốn. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng một cơ chế tài chính chuyên biệt đáp ứng các nhu cầu cụ thể và cấp bách của ĐBSCL và có thể huy động và phân bổ nguồn lực từ Chính phủ, đối tác phát triển, quỹ quốc tế và khu vực tư nhân.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam: Huy động thêm tối thiểu 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB)
Ông Ousmane Dione

Từ năm 2015 tới nay, WB đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong quan hệ đối tác với chính quyền các cấp, WB đã sử dụng khoản tài chính này cho các chương trình thí điểm sáng tạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) lớn nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và bền vững, đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng cho người dân ở nông thôn và thành phố tại các tỉnh và trên toàn vùng. WB cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương, cũng như các đối tác trong và ngoài nước khác để đưa ra những quan điểm mới, bằng chứng mới, kiến thức mới, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp với ĐBSCL.

Thời gian tới, WB đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương, cũng như các bên liên quan khác, nắm bắt các cơ hội từ BĐKH, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực.

Chúng ta cần sớm xây dựng một Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thống nhất, trên cơ sở tham gia tích cực của tất cả các Bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan và có cơ sở bằng chứng, phân tích cụ thể. Quy hoạch tổng thể này không được lặp lại những quy hoạch thiếu nhất quán và chồng chéo, dẫn đến đầu tư không hiệu quả như trước đây. Với tư cách là các đối tác phát triển, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ để bảo đảm quy hoạch vùng tích hợp mang tính toàn diện và sáng tạo, thu hút sự tham gia của các bên liên quan, đưa vào những dữ liệu và mô hình mới nhất và cung cấp thông tin cho các quy hoạch của tỉnh.
 

ca


Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam: Cam kết mạnh mẽ để không ai bị bỏ lại phía sau

GĐ UN Caitlin Wiesen
Bà Caitlin Wiesen

Thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL cần phải có những đầu tư lớn. Ngân sách hạn hẹn của Chính phủ nên được sử dụng một cách chiến lược để thúc đẩy, tạo động lực và giảm rủi ro cho đầu tư công từ khu vực tư nhân. Nghiên cứu gần đây của Bộ KH&ĐT, UNDP và GIZ cho thấy, có thể huy động khoảng 32 tỷ USD từ khu vực tư nhân đến năm 2025, tập trung vào 4 lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp và thủy sản, chế biến thức ăn và cơ sở hạ tầng. ĐBSCL sở hữu tiềm năng lớn cho năng lượng tái tạo. Nghiên cứu chỉ ra tổng sản lượng điện 13.600 MW có thể được triển khai vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với mục tiêu quốc gia (7.800 MW) được nêu trong tổng sơ đồ điện 7 sửa đổi.

Đồng thời, khu vực ĐBSCL cần phát triển khi đã xác định được các rủi ro, thông qua dữ liệu khoa học được chia sẻ rộng rãi giữa các Bộ nhằm tăng cường việc ra quyết định trong xây dựng quy hoạch, bố trí kinh phí và thực hiện đầu tư. Để thực hiện được điều này, cần tăng cường phạm vi cũng như chất lượng của các thông tin về rủi ro và tính dễ bị tổn thương, và tăng cường chuyển đổi từ ứng phó sang quản lý rủi ro. Trong nỗ lực này, UNDP phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã thiết lập một nền tảng chia sẻ dữ liệu rủi ro khí hậu cho toàn Việt Nam, bao gồm đánh giá tính dễ bị tổn thương và các công cụ để mở rộng phạm vi tích hợp số liệu và thúc đẩy chia sẻ.

 UNDP cam kết mạnh mẽ sẽ cùng Chính phủ và các bên liên quan chính để triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Robbert Moree, Điều phối viên Chương trình đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan: Sẵn sàng chia sẻ để có một vùng đồng bằng phát triển bền vững

Robbert Moree điều phối viên Hà Lan tại VN
Ông Robbert Moree

Nguồn tài nguyên của ĐBSCL hiện đang bị khai thác sử dụng thay vì được quản lý theo hướng bền vững. Kết quả là ĐBSCL đang trở nên dễ bị tổn thương trước các tác động của sụt lún đất, BĐKH, xói mòn và khai thác quá mức tài nguyên và hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải thay đổi nếu muốn có vùng đồng bằng an toàn bền vững và sản xuất hiệu quả. Là một đối tác phát triển, Hà Lan mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Theo tôi, để đạt mục tiêu này, đòi hỏi sự tham gia và hành động của chính quyền các cấp từ địa phương, khu vực đến quốc gia, từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, từ người dân, các tổ chức tài chính và các tổ chức phi Chính phủ về môi trường, BĐKH... Chỉ khi đó, ta sẽ có một kế hoạch được ủng hộ rộng rãi, có tính đến tất cả các lợi ích, có mục tiêu đúng và ưu tiên đúng trong thực thi và hiện thực hóa kế hoạch.

Hà Lan có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý bền vững những vùng đồng bằng thấp hơn mực nước biển. Hà Lan tự hào luôn nỗ lực để đưa ra những ý kiến tư vấn phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Hà Lan sẽ làm hết sức để truyền cảm hứng cho Việt Nam từ cách thức của chúng tôi đã làm trong lập kế hoạch, xây dựng cơ chế phối hợp cho vùng đồng bằng cũng như trong quy hoạch dự án, xác định ưu tiên và thiết kế tài chính. Việt Nam cần xây dựng hay tìm ra các tác nhân thay đổi tích cực của riêng mình. Việt Nam sẽ phát triển các giá trị chung của Việt Nam hướng tới một ĐBSCL bền vững, có sức chống chịu và sản xuất hiệu quả.

“Hà Lan cùng với các đối tác phát triển khác đang sẵn sàng cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam trên con đường phát triển này” - ông Robbert Moree khẳng định.

Ngọc Lý