Vì sự tồn vong của vựa lúa
Thời sự - Ngày đăng : 15:17, 14/07/2019
Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp
Hiện, TP. Cần Thơ đang thực hiện quy hoạch ngành nông nghiệp với định hướng sản xuất quy mô lớn, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung vừa thích ứng với BĐKH, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. TP. Cần Thơ đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn. Đến nay, TP. Cần Thơ đã hình thành và mở rộng được tổng cộng 106 cánh đồng với diện tích 25.000ha, thu hút hơn 18.000 hộ dân tham gia.
Đồng thời, TP. Cần Thơ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với diện tích đất không còn phù hợp với cây lúa để chuyển sang trồng cây màu và tập trung phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đối với ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng đang được TP. Cần Thơ phát triển theo hướng tập trung, an toàn sinh học; áp dụng các tiêu chuẩn để cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của VietGAP, GlobalGAP, ASC.
Hậu Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp, với trên 80.000ha đất trồng lúa, hàng năm khi xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã gây nhiều thiệt hại cho người nông dân. Nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp với mục tiêu đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Tham gia dự án này có tổng cộng 36.600 hộ nông dân thực hiện trên diện tích 40.000 ha đất trồng lúa tại 32 đơn vị cấp xã của 6 đơn vị cấp huyện trên đị bàn tỉnh. Cùng với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh ngày một nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến diện tích, năng suất cây trồng của người dân, trong đó, chủ yếu là cây lúa. Để ứng phó với tình trạng trên, tỉnh đã triển khai nghiên cứu các công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng.
“Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích trồng rau màu tại các địa phương như Vĩnh Châu, Mỹ xuyên; phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết, bảo tồn các giống cây trồng địa phương và thành lập ngân hàng giống” - ông Lê Văn Hiểu cho biết.
Nhiều cách làm mới nuôi trồng trên đất lúa
Trên vùng đất thường xuyên bị nhiễm mặn như ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân trồng lúa đã nhanh chóng thay đổi cuộc sống nhờ thực hiện mô hình lúa - tôm. Có thể nói, vấn đề xâm nhập mặn trong thời gian qua, đã tạo cho người dân nơi đây nghĩ ra cách làm mới, đó là mùa khô lấy nước mặn nuôi tôm, mùa mưa trữ ngọt để trồng lúa. Bằng phương thức sản xuất này, nông dân xã Lương Nghĩa không chỉ linh hoạt ứng phó với hạn, mặn mà còn cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình.
Qua 2 vụ nuôi tôm sú thành công trên 12 công đất lúa bị nhiễm mặn của gia đình, ông Võ Thái Hùng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa đang tiến hành mở rộng thêm 18 công đất để vừa trồng lúa, vừa nuôi tôm. Ông Hùng cho biết: “Trước đây, nhà tôi canh tác 3 vụ lúa trong một năm, trong đó, 2 vụ được mùa, còn vụ 3, cố gắng lắm mới hòa vốn. Tuy vậy, từ năm 2017 đến nay, vào thời điểm mặn xâm nhập tôi đã nuôi tôm trên đất lúa và sau mỗi vụ thả nuôi tôi cũng kiếm lời được gần 20 triệu đồng”.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian gần đây, tại một số khu vực vùng trũng trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, nhiều người dân không xuống lúa vụ 3 mà tận dụng nước dồi dào trên nền đất lúa để nuôi thủy sản, trong đó, huyện Phụng Hiệp là địa phương có nhiều nông dân thực hiện hình thức nuôi thủy sản trên đất lúa vụ 3.
Thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho thấy, hiện, toàn tỉnh có khoảng 40.000 ha đất sản xuất lúa và nuôi tôm, trong đó, tập trung nhiều tại huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước. Trước tác động của BĐKH, diện tích canh tác theo hình thức này gặp khó khăn nhất định, nhưng trước sự linh động của người dân và sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương, hình thức sản xuất lúa - tôm, được đánh giá là thích ứng với BĐKH và cho người dân thu nhập ổn định.
Ông Lê Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Bằng, huyện Thới Bình cho biết, toàn xã có hơn 3.400 ha đất sản xuất theo hình thức lúa - tôm, cho thu nhập trung bình khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Phương: “Để hình thức sản xuất này bền vững trong thời gian tới, xã đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giúp người dân thực hiện các giải pháp canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết phức tạp, khó lường như hiện nay”.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, tại 2 xã Trí Lực và Tân Lộc Bắc của huyện Thới Bình, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã triển khai thí điểm mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm trên tổng diện tích 51ha của hơn 40 hộ dân. Đây được xem là mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời, hạn chế được ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm, tạo ra sản phẩm lúa an toàn đặc sản.
Thời gian qua, cùng với việc giúp người dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất lúa, Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Sóc Trăng (VnSAT-ST) đã hỗ trợ người dân ở các huyện Mỹ Tú, Châu Thành trồng dưa leo, dưa hấu trên nền đất lúa. Ông Trần Xều Họt, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết: “Dự án VnSAT-ST đã hỗ trợ gia đình ông thực hiện mô hình trồng dưa hấu trên đất ruộng thay cho vụ trồng lúa. Sau khi thu hoạch, với giá thành như hiện nay, trừ đi các chi phí tôi còn lời khoảng 14 triệu đồng/công, cao hơn nhiều so với trồng lúa”. Cũng theo ông Họt, việc luân canh trồng dưa hấu trên đất lúa giúp hạn chế được sâu, bệnh, sử dụng phân hữu cơ để trồng dưa hấu nên sẽ rất tốt cho đất trồng lúa vụ sau.