Gỡ “nút thắt” ở cấp tư duy và thực địa

Thời sự - Ngày đăng : 18:35, 17/06/2019

(TN&MT) - Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng, Nghị quyết 120 cùng với Quyết định 593 của Chính phủ thí điểm về Liên kết vùng và Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là bộ ba công cụ chính sách mang tính liên hoàn, cần thiết giúp ĐBSCL phát triển bền vững.

Riêng Nghị quyết 120 đang tạo được sự tin tưởng và nguồn cảm hứng, gây được sự chú ý lớn đối với ĐBSCL. Nhiều chuyên gia am hiểu ĐBSCL, kể cả các tổ chức quốc tế đã đánh giá Nghị quyết 120 sáng giá, đưa ra những định hướng chiến lược với tư duy hiện đại của thế giới về phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH. Vì vậy, nếu thực hiện tốt những định hướng của Nghị quyết này, sức khỏe nội tại của ĐBSCL về kinh tế, xã hội, môi trường sẽ được cải thiện, tăng cường sức chống chịu với những tác động từ ngoại cảnh.

Ths Nguyen Huu Thien
Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập hệ sinh thái ĐBSCL


PV: Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 120 ở các địa phương còn lúng túng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ths. Nguyễn Hữu Thiện: Dư luận thắc mắc tại sao sau gần 2 năm Nghị quyết ra đời, chưa thấy chuyển biến gì rõ nét trên thực địa. Thắc mắc là đúng, nhưng cần phải hiểu rằng với một nghị quyết ở tầm chiến lược thì chưa thể kỳ vọng có những kết quả cụ thể ở thực địa trong thời gian ngắn, cần có những bước đệm để chuẩn bị.

Theo chúng tôi quan sát, Chính phủ đã có những bước đi tích cực tiến tới triển khai Nghị quyết này. Có thể liệt kê một số ví dụ như: Bộ TN&MT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan lập Chương trình hành động tổng thể triển khai Nghị quyết 120; Bộ KH&ĐT đã cùng với các chuyên gia soạn thảo “đơn đặt hàng” cho một Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120, Quyết định 593, và Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tích hợp này sẽ là khung cho mọi bước triển khai Nghị quyết 120 về sau; Bộ NN&PTNT đã soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Các tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, Duyên hải cửa sông Cửu Long đã xây dựng xong tầm nhìn chiến lược dài hạn về liên kết vùng vì phát triển bền vững và đang trong quá trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua thẩm định của Bộ KH&ĐT…

PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 120 thời gian tới?

Ths. Nguyễn Hữu Thiện: Theo tôi, quá trình chuyển đổi để thực hiện Nghị quyết 120 này nên diễn ra dần dần để tránh xáo trộn nhanh và cần có lộ trình để tháo gỡ những vướng mắc ở cấp tư duy và ở thực địa. Đồng thời, cần có thêm nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tranh luận để làm rõ nội hàm của Nghị quyết và những quan niệm về an ninh lương thực, phát triển bền vững, những quy luật tự nhiên của một vùng đồng bằng châu thổ như ĐBSCL cần được hiểu và tôn trọng như thế nào là tư duy quy hoạch tích hợp, thế nào là kinh tế nông nghiệp, để tránh việc diễn dịch khác nhau làm sai lệch đi ý nghĩa của Nghị quyết 120.

Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL mà Bộ KH&ĐT đang lập có thể nói sẽ là lần đầu tiên ĐBSCL có một quy hoạch tầm cỡ như thế và mang tính chất lồng ghép, tích hợp cao. Do đó, Chính phủ cần thực sự xem trọng, đặt trọng tâm vào quy hoạch này và tạo điều kiện để biến việc lập quy hoạch này thành một cơ hội để các cấp chính quyền, người dân, giới chuyên gia được tham gia rộng rãi và có ý nghĩa, tạo động lực hưng phấn mới cho sự phát triển ĐBSCL. Sự đồng thuận của xã hội là yếu tố quyết định sự thành công.

Theo Luật Quy hoạch mới, Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL do Bộ KH&ĐT lập sẽ là quy hoạch cấp vùng bao trùm tất cả. Do đó, tạm thời không nên có bất cứ quy hoạch nào khác ở cấp vùng được lập một cách riêng rẽ, có thể dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!               

Hùng Thơ (thực hiện)