Công bố và bàn giao sản phẩm ngành tài nguyên và môi trường cho các tỉnh Nam Bộ
Thời sự - Ngày đăng : 10:55, 17/06/2019
Biên hội thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên phạm vi toàn quốc
Ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Với mục tiêu thành lập bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất cho các tỉnh, thành trên toàn quốc trong đó có 19 tỉnh Nam Bộ. Đề án “Biên hội thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên phạm vi toàn quốc” là một trong những đề án trọng điểm của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.
Việc thành lập bản đồ nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 sẽ được thực hiện dựa trên các quy phạm hiện có của Việt Nam và thông qua đề án này, một số quy phạm mới sẽ được đưa vào thực hiện và trở thành hình mẫu, quy phạm chuẩn quốc gia cho công tác biên hội, thành lập bản đồ nước dưới đất sau này.
Xác định rõ trữ lượng, chất lượng, giá trị sử dụng của tầng nước dưới đất sẽ dễ dàng cho quản lý, nghiên cứu và khai thác sử dụng phục vụ công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài nguyên nước quốc gia. Các báo cáo thuyết minh đi kèm ngoài việc thuyết trình, luận giải các thông tin về sự phân bố trong không gian, quan hệ và khả năng chứa nước của các thành tạo địa chất, các đới dập vỡ, nứt nẻ chứa nước, một số thông tin cơ bản thuỷ động lực và chất lượng nước dưới đất tại các vị trí khảo sát, công trình điều tra, đánh giá và quan trắc, các diện tích có thể khai thác nước dưới đất còn có tính toán về một số loại trữ lượng nước dưới đất.
Cơ hội để người dân vùng khan hiếm nước có nước sạch
“Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2015, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu của Dự án nhằm tìm được các nguồn nước dưới đất, xác định trữ lượng, chất lượng và lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tại vùng núi cao, khan hiếm nước trên địa bàn 41 tỉnh trên toàn quốc. Đây là một Chương trình toàn diện, tổng thể để khắc phục được các mặt hạn chế, bất cập cấp nước cho các vùng cao, vùng khan hiếm về nguồn nước, góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Đồng thời, góp phần thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trước đó, Đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, triển khai giai đoạn 1 ở 9 đô thị là: TP. Hà Nội, TP.HCM, Buôn Mê Thuột, Hải Dương, Thái Nguyên, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quy Nhơn. Đến ngày 13/3/2019, kết quả giai đoạn 1 Đề án đã được Bộ TN&MT phê duyệt.
Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng ĐBSCL
Dự án “Đánh giá tác động của biển đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các giải pháp ứng phó” được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013. Mục tiêu chính là đánh giá các tác động của khai thác và biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước dưới đất và đề xuất các giải pháp ứng phó nhằm phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả điều tra của dự án đã chỉ ra ở đồng bằng sông Cửu Long có 8 tầng chứa nước. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 22.513.989 m3/ngày. Tổng số lỗ khoan khai thác là hơn 550.000 lỗ khoan, trong đó 932 lỗ khoan khai thác có lưu lượng lớn hơn 200 m3/ngày.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu làm suy giảm cao độ tuyệt đối mực nước dưới đất: Với tầng chứa nước qp3 tốc độ giảm lần lượt là 0,091, 0,094 và 0,114m/năm ứng với các kịch bản B1, B2 và A2; tầng chứa nước qp2-3: tốc độ giảm từ 0,161 đến 0,194m/năm; tầng chứa nước qp1 tốc độ giảm từ 0,055 đến 0,061 m/năm; tầng chứa nước n22: tốc độ giảm từ 0,414 đến 0,495m/năm; tầng chứa nước n21: tốc độ từ 0,016 đến 0,018m/năm và tầng chứa nước n13: tốc độ giảm từ 0,228 đến 0,248m/năm, tăng dần từ kịch bản B1 đến kịch bản A2.
Biến đổi khí hậu cũng làm giảm lượng tích trữ nước dưới đất hàng năm. Đến cuối năm 2100, tổng lượng tích trữ nước dưới đất toàn đồng bằng bị giảm lần lượt là 5,35; 6,21 và 7,02 triệu m3/năm ứng với các kịch bản B1, B2 và A2. Biến đổi khí hậu còn làm tăng diện tích chứa nước dưới đất mặn.
Dự án đã cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp và danh mục 10 dự án cần thực hiện để ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước dưới đất.
Để các sản phẩm của Dự án có hiệu quả và “sống” theo đúng nghĩa, ông Triệu Đức Huy cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố sau khi tiếp nhận toàn bộ sản phẩm các Dự án trên đây cần xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên nguyên tắc tôn trọng điều kiện tự nhiên, năng lực cung cấp của các nguồn nước đảm bảo mục tiêu khai thác sử dụng bền vững.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển giao các sản phẩm của các Dự án này cho các tỉnh, thành còn lại để sớm đưa các kết quả này phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và đặc biệt các nguồn nước đã tìm được ở các vùng khan hiếm khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chống hạn, cấp nước cho nhân dân.
Tại Hội nghị công bố và bàn giao các sản phẩm của ngành tài nguyên và môi trường cho các tỉnh Nam Bộ, Bộ TN&MT dự kiến công bố Hệ thống mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi được nâng cấp đầu tư xây dựng vào hoạt động theo thời gian thực; Sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Báo cáo về kết quả quan trắc sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, bàn giao các sản phẩm: Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên toàn quốc (Đợt 2 bàn giao cho 19 tỉnh thành khu vực Nam Bộ); Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn I ở 9 đô thị (Đợt 2 bàn giao cho 4 đô thị là: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Bạc Liêu); Kết quả của Dự án số 1: Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” (Đợt 2 bàn giao cho 10 tỉnh phía Nam gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long); Tài liệu “Quản lý nước dưới đất các đới ven biển” cho các tỉnh thành ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang. Bàn giao số liệu quan trắc lún và độ cao các mốc độ cao khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. |