Tăng cường liên kết vùng, sản xuất quy mô lớn: Chuyển biến lớn, hiệu quả cao
Thời sự - Ngày đăng : 11:03, 17/06/2019
PV: Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, vấn đề tăng cường liên kết vùng, tạo sản xuất quy mô lớn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó BĐKH trên vùng ĐBSCL đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Chinh: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, đến nay, đã có những chuyển biến khá mạnh mẽ. Hiện, có 9 Bộ và 6 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ban hành Kế hoạch Hành động thực hiện; rà soát, hoàn thiện, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai Nghị quyết. Bộ TN&MT đã được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ và cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát dự thảo Chương trình hành động tổng thể.
Theo đó, Bộ TN&MT đã điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ quy hoạch phù hợp với quy trình thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều chỉnh các nhiệm vụ lập quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, tài nguyên và môi trường thành các phương án quy hoạch, làm cơ sở xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành.
Đặc biệt, Bộ TN&MT đã lựa chọn các nhiệm vụ xây dựng chính sách có tính đột phá, lan tỏa để ưu tiên thực hiện trong giai đoạn trước mắt. Trong đó, tập trung vào các chính sách phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân; liên kết giữa các ngành, địa phương; tập trung ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh; phát triển công nghiệp, thương mại hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp…
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách đột phá như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP); khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP)…
Triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng các mục tiêu phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội và môi trường.
Các Bộ, ngành đã khẩn trương hoàn thiện, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, chuyên ngành về ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về nguồn lực, đến nay, các cơ quan Trung ương và địa phương đã có kế hoạch bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án.
Công tác tuyên truyền trong 2 năm qua đã tập trung thực hiện tốt với nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin để nâng cao nhận thức cả hệ thống chính trị, nhân dân về những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho các địa phương, cho cả vùng khi BĐKH ngày càng rõ nét, tác động mạnh hơn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, đặc biệt, kêu gọi người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở các địa phương. Cùng với công việc chuẩn bị xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, đã có sự tích hợp cao các giải pháp cụ thể về thích ứng biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững của vùng, tạo kết nối chặt chẽ trong xác định không gian lãnh thổ và cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổng thể chung của vùng.
PV: Xin ông cho biết những kết quả cụ thể của một vài mô hình liên kết vùng, ứng phó BĐKH mà chúng ta đã thực hiện trong 2 năm vừa qua?
Ông Nguyễn Thế Chinh: Đến nay, ĐBSCL đã hình thành được các vùng sinh thái nuôi tôm nước lợ, phát triển giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phát triển giống cây ăn quả thích ứng với hạn hán, phát triển các giống cá nước ngọt chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với mặt hàng trọng điểm của vùng ĐBSCL.
Đồng thời, triển khai mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững, theo hướng đảm bảo cơ cấu sản xuất thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái và triển khai hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các tỉnh như: Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất các sản phẩm thuộc ngành nghề chế biến nông, thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và đảm bảo tính bền vững như dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững với sự tham gia trực tiếp của 9 tỉnh vùng ĐBSCL; Dự án Hệ thống thủy lợi sông Cái Lớn - Cái Bé, nhằm hạn chế nước biển dâng, kiểm soát mặn cho 5 tỉnh vùng ĐBSCL; Dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn (một phần của khu vực trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên) nhằm kiểm soát lũ vào mùa mưa, trữ nước trong mùa khô, phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản ở các địa phương thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.
Một số tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế và có kết quả cao như Bến Tre, An Giang... với các mô hình liên kết cụ thể trong sản xuất tôm, lúa giá trị cao, tận dụng được thế mạnh của vùng nước lợ, tăng khả năng chống chịu trước BĐKH.
PV: Trên thực tế, hoạt động này tại một số địa phương diễn ra còn chậm, liên kết còn lỏng lẻo chưa rõ nét. Vậy nguyên nhân chính của tình trạng này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Chinh: Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này là do việc thực hiện tại một số cơ quan chưa thực sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết đề ra, tư duy không muốn thay đổi vẫn hiện hữu tại một số nơi còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đang tạo thành sức cản lớn, làm suy yếu liên kết địa phương, vùng tại khu vực ĐBSCL. Cách tiếp cận dựa vào nội lực chưa được đề cao, chưa huy động được sự tham gia chủ động và rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện.
Xu thế hỗ trợ từ các nước phát triển gần đây thường tập trung cho các nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ, do đó, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở các nước như Việt Nam sẽ giảm. Đây sẽ là thách thức lớn cho việc huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, có một số vấn đề mang tính chất thiết yếu, Nhà nước phải đảm trách như đầu tư liên quan đến hạ tầng thủy lợi, một số hệ thống để đảm bảo phòng chống thiên tai. Hiện, Nhà nước đang huy động một số nguồn từ quốc tế như Ngân hàng Thế giới… Tuy vậy, nguồn lực này còn rất hạn chế.
PV: Ông có nhận xét và đề xuất gì về xu hướng liên kết vùng, chuyển đổi mô hình phát triển quy mô lớn trong tương lai?
Ông Nguyễn Thế Chinh: Tôi cho rằng, xu hướng liên kết vùng, chuyển đổi mô hình phát triển quy mô lớn là xu hướng đúng đắn và tất yếu trong tương lai để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tài nguyên và môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ đối với vùng ĐBSCL mà đối với tất cả vùng, địa phương trên cả nước, tạo không gian phát triển thống nhất; khắc phục tình trạng phát triển trùng giẫm, manh mún, sử dụng các nguồn lực tự nhiên kém hiệu quả.
Theo tôi, nhìn lại kết quả gần 2 năm thực hiện, các kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại mới phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, tập trung vào các hoạt động rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới. Thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành. Trên cơ sở đó, lựa chọn các nhiệm vụ xây dựng chính sách có tính đột phá, lan tỏa để ưu tiên thực hiện trong giai đoạn trước mắt. Trong đó, tập trung vào các chính sách phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân; liên kết giữa các ngành, địa phương; tập trung ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh; phát triển công nghiệp, thương mại hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp…
Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được xác định và phê duyệt. Rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên ngành về ĐBSCL; xây dựng và phê duyệt các đề án tăng cường công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường và phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL; nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường.
Trọng tâm của giai đoạn này là thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đã nêu trong Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất trong vùng đang diễn ra rất nhanh và ngày càng trầm trọng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển khai các chương trình truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn; triển khai các đề án phát triển nguồn nhân lực, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ được duyệt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!