Bảo vệ nước dưới đất đô thị TP.HCM, Cần Thơ và Mỹ Tho - Bài 2: Đô thị Cần Thơ – nước dưới đất chưa có nguy cơ cạn kiệt
Thời sự - Ngày đăng : 10:29, 14/06/2019
(TN&MT) - Tại đô thị Cần Thơ, khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước trên phạm vi đô thị, hầu hết có khả năng tự bảo vệ trung bình và cao.
Hiện nay, tổng lượng nước dưới đất đang được khai thác là 127.956m3/ngày tại 50.673 công trình khai thác; trong đó không có công trình khai thác NDĐ tập trung; khai thác nước đơn lẻ tại 510 công trình là 75.982m3/ngày và khai thác nước nông thôn tại 50.163 công trình là 51.974m3/ngày. Kết quả điều tra và đánh giá cho thấy các tầng chứa nước ở vùng nghiên cứu hầu hết có mực nước giảm theo thời gian, tuy nhiên mực nước động vẫn còn nằm nông, sâu nhất khoảng 16m, chưa đến mực nước giới hạn cho phép. Do đó, trong vùng nghiên cứu chưa xảy ra vấn đề cạn kiệt và cũng chưa xuất hiện nguy cơ cạn kiệt nước dưới đất.
Do bề mặt đô thị được phủ diện rộng bởi thành tạo địa chất rất nghèo nước tuổi Holocen với thành phần chính là sét bột, bùn sét khá dày, có thể ngăn chặn quá trình gây bẩn nguồn nước dưới đất từ các nguồn thải trên mặt. Vì vậy đã điều chỉnh không thực hiện hạng mục điều tra nguồn thải ở đô thị này. Do đó, nội dung nghiên cứu ô nhiễm NDĐ từ nguồn thải không thiết kế trong Đề án do các TCN cần bảo vệ ở đô thị phân bố rất sâu.
Tầng qp3 bị nhiễm mặn với diện tích 529,1km2. Tầng qp2-3 bị nhiễm mặn với diện tích 146,3km2. Tầng qp1 bị nhiễm mặn với diện tích 721,4km2. Tầng n22 bị nhiễm mặn với diện tích 683,6km2. Tầng n21 bị nhiễm mặn với diện tích 413,4km2. Tầng n13 bị nhiễm mặn với diện tích 1.119,6km2.
Kết quả điều tra chưa khẳng định được hiện tượng sụt lún nền đất do nguyên nhân khai thác nước dưới đất quá mức. Tuy nhiên, theo kết quả tính toán nguy cơ sụt lún nền đất (phương trình Lohman, 1961) đã phân chia đô thị Cần Thơ thành 3 khu vực theo tốc độ sụt lún: khu vực có tốc độ sụt lún <5mm/năm, khu vực có tốc độ sụt lún 5-7mm/năm và khu vực có tốc độ sụt lún >7mm/năm.
Trên phạm vi đô thị có 7 tầng chứa nước, trong đó 6 tầng chứa nước chính có ý nghĩa lớn trong việc khai thác phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội cần được bảo vệ là các tầng chứa nước Pleistocen trên (qp3), tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên (qp2-3), tầng chứa nước Pleistocen dưới (qp1), tầng chứa nước Pliocen giữa (n22), tầng chứa nước Pliocen dưới (n21) và tầng chứa nước Miocen trên (n13). Tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là 3.673.259 m3/ngày, trong đó phần nước nhạt là 2.493.488m3/ngày, phần nước mặn là 1.179.771m3/ngày. Trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 965.281m3/ngày. Chất lượng nước về cơ bản có thể đáp ứng các mục địch ăn uống sinh hoạt và sản xuất, một số khu vực trong các tầng chứa nước qp2-3, n22 và n21 có hàm lượng NO2-, NH4+ vượt so với giới hạn cho phép. Các tầng chứa nước có đặc điểm thủy hóa phức tạp, nước mặn và nước nhạt đan xen; một số khu vực như huyện Vĩnh Thạnh, Bình Tân nước bị nhiễm mặn. |
Giải pháp bảo vệ nước dưới đất được đề xuất đối với đô thị Cần Thơ cụ thể như sau: Đối với vùng bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất: Vùng lộ của tầng chứa nước cần bảo vệ với diện tích 15km2 chủ yếu tại các xã Bình Thành, Định An Huyện Lấp Vò. Không có khu vực tầng chứa nước có mức độ tự bảo vệ kém cần bảo vệ. Đối với các đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất: Đề án đã tính toán xác định phạm vi từng đới bảo vệ công trình đối với toàn bộ các công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng trên 1.000m3/ngày đêm của các nhà máy nước, trạm cấp nước lớn. Theo đó trên phạm vi đô thị có 7 nhà máy nước, trạm cấp nước lớn với tổng số 7 công trình đã được tính toán, xác định phạm vi từng đới bảo vệ công trình.
Đối với quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất, đến năm 2020: Tổng lượng khai thác nước dưới đất là 145.251m3/ngày. Trong đó: Giảm hiện trạng khai thác 126.951m3/ngày (thông qua việc loại bỏ các giếng đang khai thác trong vùng nước lợ, mặn); Bổ sung khai thác thêm 18.300m3/ngày tại các khu vực dân cư nông thôn. Đến năm 2030: Tổng lượng khai thác nước dưới đất là 161.137m3/ngày. Trong đó: Tăng khai thác 2.107m3/ngày đối với các trạm cấp nước tập trung thuộc huyện Thới Lai; Khai thác thêm 32.079m3/ngày tại các khu vực dân cư nông thôn.
Trên phạm vi toàn đô thị hiện nay có 4 công trình quan trắc thuộc mạng quan trắc quốc gia; 36 công trình thuộc mạng quan trắc địa phương và Đề án đã thi công 10 công trình đưa vào quan trắc. Theo quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, đô thị được bổ sung thêm 12 công trình nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Để hoàn chỉnh mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất đô thị, Đề án đã thiết kế bổ sung 38 công trình quan trắc. Như vậy, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất đô thị Cần Thơ hoàn chỉnh bao gồm 50 công trình đã có và cần xây dựng bổ sung thêm 50 công trình quan trắc nước dưới đất.
Việc bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất, dự kiến thực hiện tại khu vực xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Tầng chứa nước bổ sung là tầng Plesitocen giữa – trên. Kết quả tính toán cho thấy tổng lượng nước ép trong 6 tháng mùa mưa đạt 113.150m3; Tổng lượng nước có thể khai thác sau khi BSNT vào mùa khô là 50.917m3, tương đương 279m3/ngày.