Đòn bẩy đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Thời sự - Ngày đăng : 10:23, 17/06/2019

(TN&MT) - Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120).
Anh 4 Can Tho trien khai Luat
TP. Cần Thơ đang tập trung triển khai thực hiện Luật Quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất

Nhiều kết quả quan trọng

Có thể nói, công tác ban hành Kế hoạch hành động, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 120/NQ-CP đã được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm thực hiện ngay sau khi Nghị quyết này được Chính phủ ban hành. Các địa phương như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đã thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế; phân bổ các nguồn lực cho nhiệm vụ ứng phó với BĐKH; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển sản xuất nông nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp…

Điển hình tại TP. Cần Thơ, thực hiện theo nội dung Nghị quyết 120, thành phố đã tập trung triển khai Luật Quy hoạch và Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; lập thủ tục bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm theo Luật Quy hoạch không còn phù hợp; rà soát quy hoạch đô thị đã được phê duyệt theo quy hoạch của thành phố.

Đồng thời, tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 cho 5 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt và Cái Răng trên cơ sở rà soát, cập nhật các định hướng phát triển chung về kinh tế xã hội và các tác động của môi trường, BĐKH; rà soát nhu cầu thực tế các hộ tái định cư và các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở… để có giải pháp thực hiện phân kỳ đầu tư cho các dự án xây dựng nhà ở.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, từ năm 2017 đến 2018, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố và 6 nhiệm vụ cấp huyện nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển bền vững, thích ứng BĐKH như: mô hình phân lập và tạo sản phẩm sinh học nấm rễ giúp cây trồng kháng bệnh và đáp ứng điều kiện bất lợi của môi trường canh tác; chuỗi sản xuất rau non an toàn; trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; canh tác quýt đường đạt năng suất và phẩm chất cao hay mô hình nông nghiệp đô thị.

Tại tỉnh Sóc Trăng, “trên cơ sở Nghị quyết 120, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 120 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; phê duyệt Kế hoạch Hành động Tăng trưởng xanh tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu cho biết.

Còn tại Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, thời gian qua, một số dự án đề xuất thực hiện trong Kế hoạch Hành động của tỉnh Hậu Giang theo Nghị quyết 120 đã được tổ chức lồng ghép triển khai đạt kết quả khá tốt, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp như Dự án ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và công nghệ sản xuất giống hiện đại phát triển giống lúa chất lượng cao tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tập trung xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, bưởi, khóm Queen, chăn nuôi vịt biển thích ứng với BĐKH. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang phối hợp với tổ chức chuyển giao công nghệ và thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện các trình diễn, thí nghiệm các công nghệ, thiết bị tiên tiến ứng dụng vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của nông dân trong vùng dự án.

DSC0089
Đoàn viên thanh niên tham gia trồng rừng ngập mặn tại Bạc Liêu

Còn đó những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách về BĐKH trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nguyên nhân do BĐKH là lĩnh vực mang tính khoa học cao và phức tạp, nên quá trình tiếp cận, triển khai còn gặp khó khăn.

Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về BĐKH chưa đầy đủ, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành kịp thời. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng chưa có nhiều chương trình, kế hoạch, dự án liên kết vùng được ký kết, đặc biệt, các mô hình chuyển đổi canh tác, thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, quản lý tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm tài nguyên.

Ngoài ra, “Năng lực dự báo, cảnh báo chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH ở địa phương còn yếu, chỉ tập trung vào công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, từ đó, khả năng ứng phó và thích ứng với BĐKH còn hạn chế, bị động. Công tác lồng ghép vấn đề BĐKH vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch, đề án, dựa án còn lúng túng” - ông Lê Văn Hiểu cho biết.

Theo UBND TP. Cần Thơ, mặc dù, thời gian qua, thành phố đã triển khai và thực hiện khá thành công một số nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH hướng tới phát triển bền vững. Tuy vậy, những thành tựu và tiến bộ đạt được vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố vì nguồn lực đầu tư cho BĐKH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, quá trình thực hiện các chính sách về ứng phó với BĐKH còn lúng túng, bị động do BĐKH tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó,  TP. Cần Thơ cũng chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng và tổ chức trong, ngoài nước cho công tác ứng phó BĐKH trên địa bàn thành phố, trong khi hành động đề phòng, ứng phó BĐKH vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, do đó, việc thực hiện đôi khi còn rời rạc, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, việc liên kết các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL để triển khai các nhiệm vụ ứng phó BĐKH còn bị động, mang tính đơn lẻ và ngắn hạn; việc lồng ghép ứng phó BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng.

“Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động phát triển bền vững thích ứng với BĐKH chưa được đồng bộ, một số Sở, ngành, địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện, công tác tổng hợp báo cáo của cơ quan thường trực gặp nhiều khó khăn” - ông Trương Cảnh Tuyên cho hay.

Đâu là quyết sách?

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BĐKH, các tác động của BĐKH đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, góp phần trang bị kiến thức và chủ động thích ứng với BĐKH trong cộng đồng, góp phần giảm rủi ro, thiệt hại.

Đồng thời, rà soát các quy hoạch, lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố, các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo đúng quy định; triển khai các dự án trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng với BĐKH; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học ứng dụng trong sản xuất… vùng ĐBSCL.

Để thực hiện được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, ngành Trung ương. Các tỉnh thành vùng ĐBSCL mong muốn các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho các địa phương kỹ thuật trong việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thế mạnh của địa phương và có sự liên kết vùng nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và BĐKH tạo sự liên kết, phối hợp, điều phối trong hoạt động chung của vùng ĐBSCL; nghiên cứu chuyển giao các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước ngầm để ngăn ngừa suy thoái, cạn kiệt, phòng chống ô nhiễm nguồn nước ngầm… cho vùng ĐBSCL.

Lê Hùng