ĐBSCL: Chủ động để thích nghi với tình hình khan hiếm nguồn nước
Thời sự - Ngày đăng : 17:42, 29/08/2019
Tích cực trữ nước
Hàng trăm người dân ở vùng ĐBSCL đã từng phải đi xách từng thùng nước về để sử dụng cho các sinh hoạt hàng ngày vì thiếu nước kéo theo đợt hạn hán lịch sử diễn ra vào thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Do vậy, từ những thông tin về sự sụt giảm nguồn nước ở phía thượng nguồn sông Mê Công cũng như những dự báo, cảnh báo mới đây của cơ quan chuyên môn, nhà khoa học; người dân cảm thấy lo lắng cho đời sống, sinh hoạt, sản xuất của họ trong thời gian tới, khi mà nguồn nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, những lo lắng đó của một số người dân gần như đã được giải tỏa, thay vào đó là một niềm tin về sự linh hoạt chuyển thế từ bị động sang chủ động để thích nghi với sự đổi thay từ thiên nhiên của người dân vùng ĐBSCL. Thực tế cho thấy, để có được sự chủ động thích nghi này, người dân ở hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đúc kết được những “bài học” quý báu từ các đợt hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong thời gian gần đây, mà đỉnh điểm là vào thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016.
Cùng với đó, người dân vùng ĐBSCL đã chủ động thực hiện các giải pháp để tích trữ nước vào các thùng, ao, kênh rạch bất kể năm đó khô hạn hay mưa nhiều. Minh chứng cho điều này là khi chúng tôi di chuyển dọc Quốc lộ 61B, tuyến đường huyết mạch của tỉnh Hậu Giang được nối từ ngã ba Cái Tắc (huyện Châu Thành A) đến TP. Vị Thanh với chiều dài khoảng 45km, hình ảnh mà chúng tôi cũng như du khách thập phương dễ dàng bắt gặp nhất là trước mỗi căn nhà của các hộ dân có những chiếc thùng, lu khạp chứa đầy nước mưa.
Ông Nguyễn Văn Thuận (ngụ xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) cho biết: Mặc dù, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ống cấp nước sạch ven Quốc lộ 61B cho người dân sử dụng nhưng gia đình chúng tôi vẫn đầu tư trang bị các thùng chứa nước mưa phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày. “Trong thời gian tới, nếu có xảy ra trường hợp hạn hán, thiếu nước sạch cung cấp cho người dân như những năm trước đây thì với lượng nước đã tích trữ được cũng đủ cho gia đình tôi sinh hoạt trong vài tháng” - ông Thuận cho biết thêm.
Gần đây, người dân Cần Thơ, Sóc Trăng cũng đã trang bị thùng, lu khạp để thu gom nước mưa. Ông Nguyễn Trọng Luân (ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết: “Mấy năm nay nhờ dự trữ được nước mưa, nên gia đình tôi chủ động được nguồn nước phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày cũng như giảm được một phần chi phí mua nước máy hàng tháng”. Ngoài việc sắm các thùng, bể chứa nước mưa phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày, nhiều người dân còn nạo vét kênh, rạch xung quanh vườn, thậm chí có hộ còn dành vài trăm m2 đất để đào ao vừa tích trữ nước, vừa thả nuôi thủy sản cải thiện đời sống gia đình.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, vùng ĐBSCL có mạng lưới kênh rạch chằng chịt, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các sông, kênh rạch. Song, nguồn nước sông hiện đang ngày càng suy kiệt do phát triển công nghiệp, nông nghiệp, biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thay đổi thói quen sử dụng nước sông bằng nguồn nước mưa cho người dân là việc cấp bách. “Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh thay thế là xu hướng phát triển bền vững, trong đó quan trọng nhất là nguồn nước mưa, giảm thiểu áp lực khai thác nguồn nước ngầm cũng như việc can thiệp bằng hóa chất để xử lý nước máy” - PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung nhấn mạnh.
Chuyển đổi mô hình
Những ngày gần đây, trên các tuyến kênh, rạch ở huyện Châu Thành A, Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang); Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền (TP. Cần Thơ) mực nước đang xuống thấp, có nơi thấp hơn mặt ruộng gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Thành Tâm (ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A) cho biết: Mọi năm, vào khoảng thời gian này thì chỉ cần khai bờ bao, bờ đê là nước dưới sông, kênh, rạch tự chảy vào ruộng. Còn năm nay chưa có lũ, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc lấy nước sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Tâm, lâu nay, ông vẫn do dự chưa chuyển đổi hơn 3 công đất lúa sang trồng các loại cây khác như một số hộ dân kế cận là vì phần đất của nhà ông nằm cặp với kênh Bảy Ngàn nên rất thuận lợi cho việc tưới tiêu đồng ruộng của nhà ông . “Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, nguồn nước trên các kênh, rạch không được cải thiện thì tôi sẽ chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác ít phụ thuộc vào nguồn nước hơn” - ông Tâm quả quyết.
Trong những năm gần đây, do khó khăn về nguồn nước, nhiều người dân ở vùng ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như: chuối, bắp, đậu, cà, dưa hay một số loại cây lâu năm như: xoài, nhãn trên diện tích đất lúa. Sau một thời gian thực hiện, người dân cho rằng, việc chuyển đổi cây trồng từ lúa sang rau, màu không chỉ nâng cao thu nhập, hiệu quả trong sử dụng đất mà còn thích nghi được với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Hậu (ngụ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) hiện đang thuê hơn 10 nhân công chăm sóc cho vườn dưa hấu trên 2.000m2 của gia đình. Ông Hậu cho biết: “Trước đây, phần đất này của gia đình tôi chuyên trồng lúa nước nhưng vì nguồn nước cứ thay đổi thất thường gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Năm rồi, tôi thuê xáng cạp lên líp trồng dưa hấu, mặc dù có vụ trúng, vụ thất nhưng tính bình quân ra thu nhập mỗi năm cũng cao hơn là trồng lúa và đỡ cực hơn”.
Còn ông Trần Hoàng Sáng (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng cho hay: “Việc sản xuất lúa của gia đình tôi thường xuyên gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn. Mới đây, gia đình tôi đã được sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, tôi đã chuyển sang trồng rau, dưa hấu trên đất ruộng thay cho 1 vụ lúa. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ đi tất cả chi phí thì gia đình tôi cũng còn lời khoảng 5 triệu đồng/công”.
Ngoài thích nghi với sự thiếu hụt về nguồn nước ngọt, những vùng thường xuyên bị mặn xâm nhập cũng đã có những cách làm riêng để thích nghi. Điển hình như: huyện Long Mỹ (Hậu Giang) hay huyện Trần Đề, Mỹ Tú (Sóc Trăng), nhiều hộ dân trồng lúa đã nhanh chóng thay đổi cuộc sống nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất lúa - tôm, rau màu. Ông Võ Thái Hùng (ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) đã tận dụng nguồn nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào để nuôi tôm trên diện tích 12 công đất lúa. Sau mỗi vụ thả nuôi, ông Hùng cũng kiếm lời gần 20 triệu đồng.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Trước thực tế nguồn nước ngọt đang ngày càng bị suy kiệt, người dân ĐBSCL đã dần chuyển từ trồng lúa sang cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn ở những vùng thường xuyên bị mặn xâm nhập; thay đổi mô hình sản xuất bằng việc tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần cung cấp nước vừa đủ cho cây trồng phát triển, duy trì độ phì của đất, hạn chế tình trạng thất thoát nước trong sản xuất.