Lan tỏa hành động xanh
Thời sự - Ngày đăng : 08:59, 02/09/2019
Hành động thiết thực
Mỗi buổi sáng trước đây, các nhân viên lễ tân của Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng phải đưa nước đóng chai đến từng phòng lãnh đạo và các phòng họp nhưng từ tháng 4/2019, công việc mỗi ngày của bộ phận này đã khác. Họ dùng xe đẩy đưa nước đựng trong chai thủy tinh đến các phòng họp. Những chai thủy tinh này được đổ đầy nước từ máy lọc. Mỗi tháng, văn phòng không chỉ tiết kiệm hàng chục triệu đồng cho kinh phí mua nước đóng chai mà quan trọng hơn là đã giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường.
Đây là kết quả của việc hiện thực phong trào “Chống rác thải nhựa” được UBND TP. Đà Nẵng phát động từ cuối tháng 12/2018. Trong đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Văn phòng UBND thành phố, các Sở, ngành thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt, không sử dụng chai nhựa tại các cuộc họp, hội nghị...
Tại các phường, xã ở TP. Đà Nẵng hiện nay như Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu), hình ảnh các chị đi chợ mang theo giỏ, túi đi chợ may từ vải bạt không còn xa lạ. Những hộp nhựa đựng cá, hộp thủy tinh đựng hành ngò được các chị chìa ra mỗi khi mua hàng đã quá quen thuộc với các tiểu thương ở chợ.
“Mới đầu, mang giỏ xách, hộp nhựa đi chợ không quen nên thấy ngại và còn hay quên, nhưng sau dần thấy đựng thực phẩm trong các hộp nhựa về nhà nấu ăn không phải vứt bao ni lông, lượng rác thải ra hàng ngày giảm hẳn nên công việc nấu ăn cũng tiện và sạch sẽ hơn rất nhiều”- Chị Tuyết Loan, hội viên Chi hội 17, phường Hòa Thọ Đông chia sẻ.
Với việc ra mắt “Đội hình tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, văn hóa, văn minh đô thị”, Thành Đoàn Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay để giảm thiểu rác thải nhựa. Đơn cử, từ tháng 2/2019, Đoàn Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) thực hiện dự án cộng đồng “Chuyến bay 71”. Theo đó, cứ 10 chai nhựa đưa cho nhóm thực hiện dự án, các bạn sinh viên sẽ được giảm giá khi mua một chai thủy tinh và túi vải xinh xắn. Đây là chương trình “Đổi chai nhựa để được giảm giá khi mua chai thủy tinh” nằm trong chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường do Đoàn trường phát động.
“Thời gian tới, Quận Đoàn Thanh Khê sẽ thiết kế các sản phẩm chai thủy tinh phát cho đoàn viên thanh niên để khuyến khích sử dụng chai thủy tinh thay thế các loại chai nhựa. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tuyên truyền ở các khu dân cư để người dân có ý thức phân loại rác và giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa” - anh Lê Văn Cương, Bí thư Quận đoàn Thanh Khê cho biết.
Từ ngày 1/1/2020, tỉnh Quảng Ngãi sẽ không thanh toán các khoản chi liên quan đến nước uống đóng chai nhựa trong các cuộc họp được xem là hành động quyết liệt của địa phương trong việc thực hiện chống rác thải nhựa. Bà Trần Thị Hạ Vũ - Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các phòng, ban thuộc trực thuộc Sở, các Phòng TN&MT ở 14 huyện, thành phố đã ký cam kết thực hiện giảm thiểu sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa. Theo đó, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành TN&MT gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần (chẳng hạn mang giỏ xách đi chợ, mang hộp hoặc cặp lồng để dựng thức ăn chế biến sẵn…). Đồng thời, vận động gia đình, người thân, bạn bè cùng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Tại thành phố vừa được Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel and Leisure xếp hạng là “Thành phố tuyệt vời nhất thế giới” - Hội An (Quảng Nam) cũng đang ngày càng xuất hiện rất nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tự nhiên thay thế cho đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Giờ đây, du khách đến Hội An không khó để bắt gặp những cơ sở kinh doanh, hàng quán treo bảng “Nói không với túi ni lông” như quán chay Đạm, Vegan Beets Hội An, Cocobana Cafe...
Xây dựng thói quen phân loại rác
Ghé thăm bãi biển Đà Nẵng trong mùa du lịch 2019, nhiều người dân và du khách thích thú, thậm chí, tìm đến chụp ảnh cùng những chú cá “Bống” rất đặc biệt với nhiệm vụ “ăn rác” cùng thông điệp “Hãy cho Bống ăn rác thải nhựa chứ không phải đại dương”. Chín mô hình cá Bống đặt dọc bãi biển là những hình ảnh trực quan và thực tế để du khách ý thức hơn trong việc xả rác thải nhựa ra môi trường biển.
“Tử tế với Sa Cần” là chiến dịch do một nhóm tình nguyện viên ở Quảng Ngãi thực hiện, nhằm cứu biển Sa Cần (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) khỏi sự “bức tử” của rác thải nhựa. Từ chỗ ngập ngụa trong rác thải, biển Sa Cần đã dần trở nên sạch đẹp, thoáng đãng hơn nhờ sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các tổ chức, đơn vị, các tình nguyện viên tham gia dự án.
Không chỉ dừng lại ở hành động dọn rác, nhiều người con của làng chài Hải Ninh còn đứng ra kêu gọi người dân đối xử tử tế với môi trường, bằng cách xây dựng thói quen phân loại rác thải tại nguồn và ngưng đổ rác thải ra môi trường. Bởi với họ, đây mới là giải pháp lâu dài giúp bảo vệ môi trường bền vững; ngăn chặn rác thải, nhất là rác thải nhựa đổ ra biển. Trong giai đoạn 2 của dự án, điều thú vị là cứ 10 bao rác đầy (nhặt ở bãi biển Sa Cần) sẽ đổi được 1 giỏ nhựa và 1 tấn rác người dân thu dọn sẽ đổi được 100 giỏ nhựa để động viên thanh niên và người dân Sa Cần xây dựng thói quen chung tay “chống rác thải nhựa”.
“Rất mong người dân ở hai bên lưu vực sông Trà Bồng hãy hướng về Sa Cần, hãy nghĩ đến "nỗi đau" của Sa Cần mà đồng loạt hành động “chống rác thải nhựa” để trả lại bãi cát trắng, hàng muống biển xanh rì, uốn lượn qua eo biển Sa Cần”, anh Thương - thành viên Ban điều hành dự án “Tử tế với Sa Cần” trăn trở.