Thừa Thiên Huế: Ngành du lịch “nói không” với túi ni lông, rác thải nhựa
Thời sự - Ngày đăng : 08:19, 23/08/2019
Du lịch lâu nay vẫn được xem là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế. Lượng khách đến với Huế không ngừng tăng qua các năm dẫn đến việc phát triển du lịch đang tạo sức ép không nhỏ đến vấn đề bảo vệ môi trường tại nhiều điểm, khu du lịch trên trên địa bàn. Gần một năm qua, nhờ tinh thần lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Ngày chủ nhật xanh”- Hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã và đang vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp hiệu quả, mang lại hiệu ứng lớn cho người dân, du khách...
Đẩy mạnh chống rác thải nhựa
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni lông đã trở thành yêu cầu cấp bách, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa và ni lông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Việc sử dụng quá nhiều chất liệu vào các hoạt động du lịch đang tạo áp lực về bảo vệ môi trường cho ngành du lịch Huế nói riêng và cả nước nói chung...
Chính vì thế, cuối tháng 5/2019, hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng ký vào một bản cam kết nói không với các sản phẩm từ nhựa. Cụ thể, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cam kết thực hiện không sử dụng sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; trong các hội nghị, hội thảo của đơn vị, không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, có thể tích 330 - 500ml; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ chủ nhật hàng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc…
Thực tế theo ghi nhận của PV, những gì ở cam kết trên được hoạt động, duy trì đều đặn hằng ngày, hằng tuần. Hầu hết các cuộc họp không còn chai nhựa. Rác thải ở các điểm du lịch được xử lý triệt để, các doanh nghiệp còn chủ động phối hợp với du khách làm vệ sinh, qua đó thu hút khách du lịch ngày càng đông hơn.
“Đơn vị chúng tôi luôn đồng hành cũng những phát động hay, có ích với môi trường, trong số đó có tiến đến nói không với các sản phẩm từ nhựa của ngành du lịch Huế. Công ty đã làm tranh cổ vũ bảo vệ môi trường, phân loại rác hợp lý, loại bỏ túi ni lông và ống hút nhựa, dùng chai thủy tinh. Thực hiện các chương trình trồng cây xanh, trồng hoa, phối hợp dọn dẹp vệ sinh các khu du lịch. Sắp tới sẽ là các hoạt động chèo SUP lượm rác tại khu vực phá Tam Giang...”- anh Nguyễn Đình Thiện, Công ty Du lịch Đại Bàng chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, việc phát động phong trào nói không với sản phẩm nhựa, nilông sử dụng một lần tại các điểm du lịch và trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch sẽ góp phần lan tỏa thông điệp tích cực trong du khách và cộng đồng vì hiện nay các khu di tích cũng như nhiều điểm du lịch cộng động, sinh thái đang thu hút rất nhiều khách tham quan.
“Hầu hết các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ phong trào “Chống rác thải nhựa”, và “Nói không với sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” mà Sở Du lịch phát động. Sở khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đưa ra những giải pháp thực tế, những sáng kiến hay cuộc thi gắn với hoạt động của doanh nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của du khách trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý. Sở cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số tổ chức vì môi trường có kế hoạch phối hợp triển khai định kỳ và thường xuyên các hoạt động, cuộc thi và triển lãm ảnh hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh của tỉnh, nhân dịp các ngày quốc tế vì môi trường như Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông, Ngày Rừng thế giới, Ngày Trái đất, Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương thế giới.. để quy tụ các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng, cá nhân và tổ chức cùng tham gia các hoạt động, cải thiện và bảo vệ môi trường như trồng cây xanh, giáo dục cộng đồng về kiến thức giữ gìn môi trường, xử lý thu gom, tái chế chất thải”- ông Phúc thông tin.
Khu di sản Huế “nói không” với túi ni lông, động cơ xăng
Hệ thống di sản Huế là “linh hồn”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để thu hút khách du lịch đến Cố đô. Nếu thời gian này đến Huế, chắc chắn ai ai cũng sẽ thấy tại các cửa hàng lưu niệm trong các điểm tham quan di tích có những túi giấy với thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi ni lông” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Những túi này được nhân viên chuẩn bị sẵn sàng, du khách nào có cầm theo túi ni lông sẽ được tặng để thay thế.
PV đã đến quầy hàng lưu niệm ở nhà Hữu Vu (bên trong Đại Nội) để mua sách, sau khi mua xong thì chứng kiến nhân viên giao sách trong chiếc túi giấy. Có thể nói hình ảnh này đang dần trở nên quen thuộc. Đó là một trong những hoạt động mà Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế triển khai nhằm chống rác thải nhựa mà Sở Du lịch cũng như UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động.
“Khi sử dụng túi giấy này thay cho túi ni lông tôi thấy hợp lý. Chúng không chỉ thân thiện với môi trường mà còn rất lịch sự. Nhờ thế mà tinh thần bảo vệ môi trường của tôi cũng như con cái sẽ nhiều hơn...”- chị Trần Thị Trà My (du khách Quảng Nam) bộc bạch.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn phát động phong trào sáng kiến vật liệu thay thế vật liệu nhựa sử dụng 1 lần trong sinh hoạt hàng ngày ở nội bộ đơn vị. Yêu cầu không sử dụng túi ni lông và chai nhựa có thể tích nhỏ để phục vụ các hội nghị, các cuộc họp và hoạt động hàng ngày.
Không chỉ loại bỏ ni lông và chai nhựa, việc “Nói không với động cơ xăng” đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai ở khu vực Đại Nội. Cụ thể Trung tâm đang lên phương án các loại phương tiện hoạt động bằng động cơ xăng (ngoài phương tiện phục vụ xây dựng) không đi lại trong khuôn viên rộng 36ha của Đại nội.
“Không động cơ xăng thì thay thế bằng xe đạp, xe điện, thậm chí đi bộ. Chúng tôi đang tìm điểm để xe tập trung ngoài Đại nội cho người lao động. Điều này khi thực hiện không chỉ góp phần tạo nên môi trường di sản thân thiện, không có khói xăng mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc tiền nhân...”- ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng luôn mong muốn các doanh nghiệp, điểm du lịch trên địa bàn cùng nhau chung tay hành động... “Đây là việc khó, nhưng không thể không làm được. Vì vậy tỉnh mong muốn các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, nói không với sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”- ông Dung kêu gọi.