Quảng Ninh: “Nói không” với sản phẩm nhựa trên vịnh Hạ Long

Thời sự - Ngày đăng : 09:20, 16/08/2019

(TN&MT) - Hàng ngày, công nhân của các Công ty môi trường ở khu vực vịnh Hạ Long vớt lên hàng tấn rác thải, trong đó rác thải nhựa chiếm phần lớn. Vì vậy, từ ngày 1/9 tới đây, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chính thức “nói không” với các sản phẩm nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó, các đơn vị kinh doanh trên vịnh Hạ Long sẽ dùng đồ bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường.
A 1
Rác thải trên vịnh được thu gom, vận chuyển vào bờ và chở đến nhà máy xử lý rác

Đây có thể coi là bước đột phá mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đối với cảnh quan và môi trường vịnh Hạ Long nói riêng cũng như thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Do vậy, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã thống nhất với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, hoạt động trên vịnh ngừng sử dụng sản phẩm nhựa dùng lần từ ngày 1/9 tới, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện với môi trường.

A 2
Tàu chở khách du lịch trên vịnh Hạ Long

Trước thực tế là mỗi ngày, các Công ty môi trường ở khu vực vịnh Hạ Long vớt lên hàng tấn rác thải, trong đó rác thải nhựa chiếm đa số, cùng với đó là một lượng lớn rác thải từ trong bờ, cũng như từ hàng nghìn tàu vận tải, tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hoạt động kinh doanh du lịch ăn uống, nghỉ qua đêm trên vịnh...Trong khi, hiện nay việc thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long được Ban quản lý vịnh Hạ Long hợp đồng với một số Công ty thu gom tại các khu vực trung tâm vịnh và các điểm tham quan cố định rồi vận chuyển vào bờ đem đi xử lý tại các nhà máy rác.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, từ ngày 1/9/ tới đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tàu du lịch, dịch vụ du lịch như xuồng cao tốc, kayak, đò chèo tay trên vịnh Hạ Long, các điểm bán hàng cố định sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần như chai nhựa đựng nước, ống hút nhựa, cốc nhựa, hộp bát đĩa đựng thức ăn, túi nilon...Thay vào đó là các sản phẩm bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường. Đồng thời, rác thải có khả năng tái chế phải được phân loại trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển về bờ xử lý. Điều này cũng áp dụng với các đơn vị chính quyền khi làm việc trên vịnh.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp, điểm dịch vụ đã bắt đầu tiến hành thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần và nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía du khách khi đi tham quan trên vịnh.

Đối với các doanh nghiệp, Ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ hỗ trợ nơi cung cấp các sản phẩm thay thế, tiến tới kết nối, hướng dẫn đội ngũ người dân hoạt động chèo đò trên vịnh làm các túi giấy, cung cấp cho các doanh nghiệp để vừa có thêm sinh kế, vừa giúp có thêm vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Còn đối với du khách, ngay từ khi đến các cảng tàu, việc khuyến cáo không sử dụng chai nhựa, đồ nhựa dùng một lần sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức tuyên truyền, vận động. Anh Phạm Tùng Thắng, nhà ở TP.Uông Bí cho biết “Sau hơn 3 năm đi lao động ở Nhật Bản về, khi đi thăm quan vịnh Hạ Long thấy việc các nhân viên tại cảng tàu, cũng như trên tàu du lịch khuyến cáo du khách không dùng các sản phẩm như chai nhựa, ống hút nhựa hay túi ni- lông, tôi thấy khá bất ngờ và rất đồng tình với cách làm của Ban quản lý vịnh Hạ Long khi đã mạnh dạn không dùng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần, việc làm này góp phần bảo vệ vịnh Hạ Long ngày càng sạch đẹp”. 

Trước mắt, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ tổ chức tuyên truyền vận động, các doanh nghiệp tiến hành ký cam kết không sử dụng các loại chất thải nhựa. Sau đó các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra giám sát thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện Ban quản lý sẽ có văn bản nhắc nhở. Đồng thời với doanh nghiệp vi phạm nhiều lần chúng tôi sẽ kiến nghị với đoàn kiểm tra có biện pháp, chế tài xử lý, như là dừng hợp đồng cung cấp dịch vụ cũng như vận chuyển khách tham quan trên vịnh.

Có thể nói, việc ngừng hoàn toàn sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên vịnh Hạ Long được kỳ vọng sẽ góp phần giúp môi trường sống cho người dân, môi trường du lịch phục vụ du khách thêm xanh sạch đẹp, đặc biệt là bảo vệ môi trường, cảnh quan Di sản thiên nhiên thế giới bền vững và phát triển.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược, lâu dài của tỉnh Quảng Ninh khi xác định việc chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh”, mang tính bền vững, thân thiện với môi trường.

Phạm Hoạch