Truyền thông về hạn chế dùng túi ni lông với đồng bào vùng cao: Cần đi vào thực tế
Thời sự - Ngày đăng : 16:37, 20/06/2019
Trước những tác hại của việc sử dụng túi ni lông, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi ni lông. Sở TN&MT Lào Cai đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông.
Nhiều mô hình tuyên truyền về tác hại của túi ni lông, vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như: Mô hình “sử dụng túi sinh học tự phân hủy” của huyện Mường Khương; mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật Xanh” của Đoàn Thanh niên huyện Sa Pa. Tuy vậy, các mô hình này vẫn chưa phát huy được hiệu quả, do người dân vùng cao nhận thức còn kém, việc thực hiện chỉ mang tính tạm thời qua loa sau lại đâu vào đó. Ví dụ như việc phát động “Ngày thứ Bảy tình nguyện” của nhiều đoàn thanh niên các huyện đã thu hút được rất đông quần chúng nhân dân tham gia. Thế nhưng, sau ngày thứ Bảy tình nguyện ấy, người dân vẫn cứ “vô tư” sử dụng túi ni lông và vứt rác thải ra môi trường...
Nếu như cách đây khoảng 10 năm, khi lên các chợ vùng cao của các huyện như Si Ma Cai, Mường Khương hay Bắc Hà của tỉnh Lào Cai, chúng ta thường bắt gặp người dân mang gùi, mang rổ, làn đi chợ thì vài năm trở lại đây, hình ảnh quen thuộc đó dần mất đi, thay vào đó là những chiếc túi ni lông đủ mọi kích cỡ, màu sắc, nhỏ gọn và đầy tiện lợi.
Chúng tôi gặp chị Giàng Thị Páo (Mường Khương, Lào Cai) trong lần đi chợ phiên cuối tuần để mua thực phẩm về cho gia đình. Trên lưng chị vẫn mang theo chiếc gùi nhưng bên trong gùi lại có rất nhiều những túi ni lông đựng các đồ khác nhau mà chị mua về. Chị đã nghe nhiều về tác hại của túi ni lông, nhưng việc sử dụng nó rất tiện nên đã quen dùng.
“Người bán cho vào túi ni lông để tiện việc cân nên mình cũng đựng luôn để không bị lẫn các đồ với nhau. Nếu muốn không sử dụng túi ni lông, người bán không nên dùng túi ni lông để đựng đồ nữa” - chị Páo chia sẻ.
Có thể thấy, việc kêu gọi hạn chế sử dụng túi ni lông sẽ không hiệu quả khi không quản lý được việc sản xuất và cung cấp túi ni lông. Thực tế, người bán hàng sẵn lòng phục vụ người mua túi ni lông, còn người mua chấp nhận sự phục vụ này không cần suy nghĩ…
Sinh sống lâu năm tại Sa Pa, Lào Cai, bác Hoàng Ngọc Hải cho biết: Tôi đã sử dụng túi ni lông để đừng thức ăn nhiều năm nay. Mặc dù, đã nghe truyền thông và biết về tác hại của túi ni lông với sức khỏe của mình và gia đình nhưng do những sản phẩm thay thế giá thành cao, lại không tiện lợi nên khi đi chợ tôi vẫn dùng túi ni lông để đựng thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đức Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai cho biết: Sở TN&MT Lào Cai và Quỹ Bảo vệ môi trường Lào Cai thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền nâng cao kiến thức cho học sinh các trường phổ thông trong tỉnh. Kết hợp với đoàn thanh niên tới tận chợ tuyên truyền hướng dẫn người dân vùng cao tại các buổi chợ phiên loại bỏ túi ni lông ra khỏi cuộc sống. Tuy vậy, mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông trong cộng đồng vẫn chưa đạt được. Việc sử dụng túi ni lông vẫn phổ biến ở khắp mọi nơi.
Để thay đổi thói quen hạn chế sử dụng túi ni lông của người dân (nhất là người dân vùng cao) không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian lâu dài. Đặc biệt, các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai phải tích cưc vào cuộc, và người dân cần tự giác ý thức trong việc hạn chế, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi ni lông để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và bảo vệ môi trường. Truyền thông để loại bỏ túi ni lông ra khỏi cuộc sống cần đi vào thực tế chứ không thể nói suông.