Giám sát rác thải nhựa ven biển: Những con số “biết nói”
Thời sự - Ngày đăng : 17:29, 20/06/2019
Thiếu dữ liệu về ô nhiễm rác thải nhựa cấp quốc gia
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm trên toàn cầu. Đó là con số thống kê trên toàn thế giới, còn tại Việt Nam, chúng ta chưa có nghiên cứu nào đủ thông tin, dữ liệu về ô nhiễm rác thải nhựa ở cấp quốc gia.
“Điều chúng ta cần quan tâm là nguồn gốc, chủng loại của rác thải ra biển, những điểm nóng ô nhiễm nhựa, xác định mục tiêu và các biện pháp giảm thiểu và ngăn ngừa. Từ đó, đưa ra những tác động liên quan đến đa dạng sinh học, sức khỏe con người, an ninh lương thực, an toàn hàng hải, phục vụ ngành du lịch và giải trí”, bà Nguyễn Thu Trang, đồng sáng lập GreenHub nói.
Hướng đến xây dựng một phương pháp chung, có thể áp dụng cho tất cả các địa điểm tại vùng bờ biển Việt Nam, IUCN Việt Nam đồng hành với tổ chức GreenHub thực hiện hành trình khảo sát và giám sát rác thải biển, ô nhiễm nhựa tại các khu bảo tồn biển (KBTB) và vườn quốc gia (VQG) trên cả nước.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình Biển và Vùng bờ IUCN cho biết, với hoạt động này, IUCN và GreenHub hy vọng sẽ bổ sung thêm nguồn dữ liệu về rác thải biển và ô nhiễm nhựa tại các KBTB/VQG tại Việt Nam. Đồng thời, thông qua hành trình, tiến hành thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, số liệu, nguồn gốc, tỷ lệ % giữa các loại rác và sự biến động của rác thải nhựa tại bãi biển để có cái nhìn tổng quan về rác thải nhựa trong khu vực. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp; làm cơ sở báo cáo, đề xuất các cấp chính quyền địa phương, các bên liên quan trong việc ban hành cơ chế, chính sách quản lý, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa; tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn có ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa.
Chia sẻ lý do lựa chọn các KBTB/VQG để tiến hành chuyến đi, bà Hiền nói: Hiện nay, ngay cả các KBTB và VQG - nơi được ưu tiên trong bảo vệ hệ sinh thái và loài cũng không thể tránh khỏi nạn ô nhiễm rác thải nhựa; đặc biệt, ngoài biển chúng ta không thể khoanh vùng để bảo vệ được. Tại các KBTB và VQG có những cơ quan, tổ chức thực sự quan tâm đến vấn đề rác thải biển; họ cũng có năng lực nhất định để triển khai những chương trình giám sát.
Hành trình bắt đầu được khởi động từ tháng 12/2018 và nhận được sự ủng hộ, tham gia của tất cả các KBTB và VQG trên cả nước. “Ở mỗi KBTB/VQG, chúng tôi chọn 3 bãi biển, mỗi bãi biển xác định 100m, trong đó, chọn 4 mặt cắt. Chúng tôi làm việc công phu, nhặt từng cái rác từ rác xây dựng, gỗ, kim loại, nhựa, vải... và tất cả thành phần rác trên bãi biển từ 2,5 cm trở lên để xác định lượng phân bố và nguồn gốc. Trên cơ sở đó, thúc đẩy giải pháp dựa trên dữ liệu khoa học và tác động”, bà Hiền chia sẻ.
Trên 90% là rác thải nhựa
Đến nay, hành trình giám sát rác thải nhựa ven biển đã đi qua 4 KBTB và VQG gồm: Bái Tử Long; Cát Bà; Côn Đảo; Phú Quốc. Những người quản lý các KBTB và VQG rất hứng thú với phương pháp giám sát rác thải biển, bởi bản thân họ sẽ có những số liệu, dữ liệu rất tốt về thành phần rác thải biển ở địa phương họ là gì, thành phần nhựa chiếm bao nhiêu phần trăm…
Là người trực tiếp tham gia chuyến hành trình, bà Nguyễn Thu Trang (GreenHub) cho hay, kết quả sơ bộ từ quá trình thực hiện tại 4 điểm tương ứng với 44 mặt cắt chỉ ra rằng, hiện trạng 91 - 97% rác tìm thấy là rác thải nhựa; trong đó, rác phao xốp chiếm tỷ trọng lớn, tiếp theo là những đồ dùng bằng xốp, túi ni lông, một số loại nhựa khác… Có thể nói, xốp, phao nổi, túi ni lông vẫn là những loại rác phổ biến nhất trong dữ liệu đã thực hiện và hoạt động trên biển, cũng như rác xốp cần được quan tâm trước hết ở các KBTB/VQG hiện nay. Tuy vậy, hiện trạng rác thải nhựa ở mỗi KBTV/VQG lại có đặc trưng khác nhau.
Lý giải về điều này, theo bà Trang, ở KBTB Phú Quốc - điểm đến gần đây trong hành trình giám sát rác thải nhựa ven biển, qua kết quả tổng hợp sơ bộ, một lần nữa lượng rác thải nhựa chiếm đến 94% lượng rác thu gom được. Trong số đó, phao xốp từ các công trình nổi, hoạt động khai thác thủy sản và từ các đồ dùng đựng thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất so với các loại nhựa khác từ 32 - 37%. Đây cũng là lượng rác thải nhựa chủ yếu được thống kê tại VQG Cát Bà. Thế nhưng, ở Côn Đảo, lưới hay chai nhựa lại chiếm tỷ lệ lớn.
“Trên thực tế, ở VQG Cát Bà đã có các ghi nhận túi ni lông phủ lên san hô, cản trở sự phát triển của san hô và có sự tương tác giữa Voọc Cát Bà và túi ni lông”, bà Trang nói.
Rõ ràng, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối ở các KBTB và VQG. Vì vậy, việc tiến hành điều tra, khảo sát rác thải nhựa rất cần được đưa vào hoạt động thường xuyên của VQG và phát triển thành chương trình giám sát lâu dài để phục vụ cho mục tiêu quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học.
“Tôi nghĩ, nên kiểm đếm rác thải để chúng ta có một hệ thống dữ liệu, số liệu; chi phí không nhiều, ít nhất mất 4 ngày/năm vào 2 mùa để thực hiện chương trình giám sát này”, bà Bùi Thị Thu Hiền khuyến cáo.
Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ là nỗ lực của riêng KBTB mà phải là nỗ lực của tất cả cộng đồng cùng tham gia. Muốn quản lý rác thải nhựa tốt ở các KBTB và VQG, trước tiên, phải nâng cao nhận thức cộng đồng; đồng thời có chính sách quản lý rác thải nhựa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
“Tất cả mọi người đều phải hành động. Mỗi hành động nhỏ được lặp đi lặp lại nhiều lần, từ nhiều người chắc chắn sẽ có tác động tốt”, bà Hiền kêu gọi.