Gia Lai với phong trào “Chống rác thải nhựa”: Từ truyền thông đến hành động
Thời sự - Ngày đăng : 18:45, 20/06/2019
Đẩy mạnh truyền thông
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cả nước cùng chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; đề nghị các tổ chức chính trị xã hội, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng chung tay để phong trào “Chống rác thải nhựa” lan rộng trên toàn tỉnh.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Gia Lai) cho biết: Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền trực quan bằng việc treo 40 băng rôn in khẩu hiệu về chủ đề chống rác thải nhựa tại các tuyến đường trung tâm thành phố Pleiku.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Gia Lai đã ký kết bản cam kết hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, các Sở, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để cùng đẩy mạnh thực hiện phong trào, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh cùng tham gia.
Truyền thông về Phong trào “Chống rác thải nhựa”, Sở TN&MT còn được thực hiện thường xuyên, lồng ghép trong các buổi hội, họp tại tất cả các địa phương của tỉnh Gia Lai, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về tầm quan trọng của việc “Chống rác thải nhựa”. Qua đó, kêu gọi cộng đồng sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong sinh hoạt gia đình, hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện thu gom, phân loại rác thải nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Công tác truyền thông về “Chống rác thải nhựa” còn được các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện thường xuyên bằng cách phối hợp với nhiều đơn vị trên địa bàn để tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Từ đó, vận động toàn dân tăng cường sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
Hành động thiết thực
Đi đầu trong việc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, ngay tại Sở TN&MT và nhiều các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bắt đầu “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Cụ thể, không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần (ống hút, chai và bình nước suối/khoáng, hộp xốp, bao bì ni lông, hộp đựng thức ăn, bát, dĩa, cốc, thìa…) trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như tại gia đình. Thay vào đó, sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc phích, bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách.
Câu lạc bộ “Nói không với túi ni lông”, mô hình “Phụ nữ thân thiện với môi trường” được thành lập ở nhiều Chi hội Phụ nữ ở các địa phương của tỉnh Gia Lai và bắt đầu mang lại những hiệu quả thiết thực. Thành viên câu lạc bộ được tặng giỏ xách và hộp nhựa để đựng thức ăn mỗi khi đi chợ.
Bà Rơ Chăm HHồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: Khi tặng giỏ nhựa cho hội viên phụ nữ, chúng tôi đồng thời tuyên truyền về tác hại của túi ni lông đối với môi trường và vận động hội viên đi chợ bằng giỏ nhựa để hạn chế sử dụng túi ni lông. Cùng với đó là thực hiện phân loại rác tại nguồn.
“Qua một năm triển khai, hầu hết các hội viên, phụ nữ đã có ý thức sử dụng giỏ nhựa đi chợ, trong đó, rau, củ được bỏ vào giỏ; thịt, cá được bỏ vào các hộp nhựa. Bên cạnh đó, hội viên, phụ nữ cũng biết phân loại rác như sử dụng rác hữu cơ để làm phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm và đốt hoặc chôn lấp đối với rác thải khó phân hủy”, bà Hồng nói thêm.
Nhờ công tác truyền thông mạnh mẽ, ý thức về việc hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần đã dần được nâng lên trong cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh. Nhiều cửa hàng thực phẩm hữu cơ, siêu thị tại TP. Pleiku bắt đầu sử dụng lá chuối hoặc các loại túi dễ phân hủy để gói rau, củ thay cho túi ni lông.
Chị Bùi Thị Bích Ngọc - chủ cửa hàng rau, quả sạch HuKa Food (TP. Pleiku, Gia Lai) chia sẻ: “Qua theo dõi trên báo, đài, tôi được biết đến trào lưu gói hàng bằng lá chuối và đã áp dụng cho cửa hàng của mình từ nhiều tháng nay. Việc dùng lá chuối và không sử dụng túi ni lông vừa giữ cho rau, quả tươi hơn mà lại còn thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng thích thú và đón nhận”.
Phong trào “Chống rác thải nhựa” còn được nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên tại tỉnh Gia Lai hưởng ứng bằng việc thành lập nhóm và tiến hành thu gom rác thải, bao bì ni lông ở những nơi công cộng để làm sạch môi trường và truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường sống.