Thu gom, tái chế vỏ hộp sữa: Để không còn lãng phí “tài nguyên”

Thời sự - Ngày đăng : 15:27, 12/06/2019

(TN&MT) – Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, TP Hà Nội đang thí điểm triển khai chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa. Dự kiến, đến năm 2020, chương trình sẽ được mở rộng trên địa bàn toàn thành phố.

Bỏ vỏ hộp sữa – lãng phí tài nguyên

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 tỉ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng (tương đương 150.000 tấn) được thải bỏ, trong khi 100% vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành nguồn nguyên liệu và các sản phẩm có ích. Có nhiều lý do mà chúng không được thu gom, phân loại, đó là quá cồng kềnh, quá hôi, quá dơ, khó thu gom, không có đơn vị thu mua hoặc ít đơn vị có công nghệ để tái chế, và quan trọng nhất là giá của vỏ hộp sữa giấy quá rẻ, không đủ bù cho chi phí thu gom và vận chuyển….

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay trên địa bàn đã có khoảng hơn 90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập tham gia chương trình Sữa học đường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, một lượng lớn vỏ hộp sữa được thải ra môi trường. Nếu lượng vỏ hộp sữa giấy này được thu gom, tái chế, không những giảm được lượng rác thải mà còn tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như bàn ghế, tấm lợp sinh thái…

chương trình sữa học đường
90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn TP Hà Nội tham gia chương trình Sữa học đường. Ảnh: Vneconomy

Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) Hà Nội cho biết, để không bị lãng phí tài nguyên và cũng để đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng đồng hành với chương trình Sữa học đường, thực hiện Chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch và thực hiện phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, tại các trường học trên địa bàn Thành phố. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của việc tái chế vỏ hộp sữa, bảo vệ môi trường. Thông qua đó, không chỉ giáo viên, phụ huynh mà trẻ em và cộng đồng cùng hình thành thói quen tốt từ những việc gần gũi và thiết thực hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường. Đây cũng là bước chuẩn bị cho hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn Thành phố.

Được biết, quận Hoàn Kiếm sẽ là địa phương được chọn làm thí điểm đầu tiên Chương trình phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp sữa đã qua sử dụng. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại 55 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn quận.

Tái chế thành “sản phẩm hữu ích”

Theo Chi Cục BVMT Hà Nội, đến nay, Chương trình đã xây dựng Kế hoạch tập huấn hướng dẫn cho các giáo viên, tình nguyện viên và các em học sinh tại các trường tham gia; đồng thời, thống nhất với đơn vị hỗ trợ thu gom, vận chuyển vỏ hộp sữa từ điểm tập kết vỏ hộp sữa vào Công ty xử lý vỏ hộp sữa tại Bình Dương, đảm bảo 100% vỏ hộp sữa được thu gom.

thu gom vỏ hộp sữa
Các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa từ cho ống hút vào trong hộp sau khi uống hết sữa, làm dẹp, gập nhỏ hộp lại và bỏ vào đúng nơi quy định

Trong tháng 6/2019, sau khi thống nhất được lịch tập huấn với UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức ưu tiên tập huấn cho các giáo viên và các em học sinh tại trường mầm non; sau khi trường cấp 1 vào năm học mới, sẽ tiếp tục tập huấn cho trường cấp 1 kết hợp cùng triển khai chương trình.

“Các em sẽ được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa như: cho ống hút vào trong hộp sau khi uống hết sữa, làm dẹp, gập nhỏ hộp lại và bỏ vào đúng nơi quy định, giúp tiết kiệm diện tích cũng như dễ dàng hơn cho việc thu gom. Vỏ hộp sau đó sẽ được thu gom định kỳ hàng tuần, chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như thùng giấy, tập vở, mái lợp hay thùng rác”, đại diện Chi cục BVMT Hà Nội giải thích.

Với việc làm đơn giản là xếp gọn và phân loại riêng vỏ hộp sữa giấy để thu gom, tái chế sẽ góp một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng rác thải ra môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu, biến rác thải thành vật dụng có ích. Đồng thời, góp phần giảm chi phí xử lý rác và giảm tác động đến môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong cuộc sống hàng ngày.

Trong thời gian tới, vào đầu năm học mới 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận Cầu Giấy để mở rộng Chương trình tại các trường trong năm học mới và mở rộng đối tượng là hộ gia đình bằng việc đặt điểm lưu trữ vỏ hộp sữa tại một số điểm công cộng để người dân tự nguyên mang vỏ hộp sữa tới. Từ đó, có cơ sở mở rộng Chương trình trên toàn địa bàn Thành phố trong năm 2020.

Tuyết Chinh