Nhận thức của xã hội về ô nhiễm nhựa gia tăng

Thời sự - Ngày đăng : 11:39, 06/06/2019

(TN&MT) - Năm 2018, Bộ TN&MT  phát động Phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức quốc tế và cam kết của các hiệp hội doanh nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại đã tạo được sức lan tỏa lớn về nhận thức của toàn xã hội về ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Đáng chú ý, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước tiên phong nói không với rác thải nhựa.
0002


Ngay từ tháng 6/2018, Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các hội nghị, hội thảo. Hầu hết, các cơ quan trong Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. Bộ TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông. Có hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt việc "nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần".

Bộ phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuộc chiến với rác thải nhựa bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Đến nay, đã có 12 doanh nghiệp cam kết: Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần". Tổ chức thu gom bao bì sản phẩm làm từ nhựa đã sử dụng trong hoạt động kinh doanh và chuyển giao đến cơ sở xử lý, tái chế, theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hợp tác với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương tuyên truyền giúp người dân hiểu và giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông hàng ngày….

DSC 3757
Đoàn viên thanh niên Bộ TN&MT phát túi tự phân hủy  cho người dân tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh

Ngoài ra, các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế cũng tham gia ký kết Bộ Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Các tổ chức chính trị như: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam và 2 tổ chức phi Chính phủ là Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GREENHUB) cam kết hưởng ứng phong trào nói không với rác thải nhựa.

Không những thế, với các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trên cả nước, người tiêu dùng đã bước đầu nhận thấy tác hại của rác thải nhựa và dần dần thay đổi nhận thức. Điều này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như tại các quán ăn người dân dùng ống hút bằng giấy, bằng tre để thay thế ống hút nhựa; nhiều người đi chợ đã mang theo làn đựng đồ để hạn chế sử dụng túi ni lông. Đơn cử như ở khối 4, phường Bến Thủy, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, nhiều tháng nay, hình ảnh các mẹ, các bà xách làn nhựa đi chợ mỗi sáng dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân.

Hay như ở Cù Lao Chàm, UBND TP. Hội An, Quảng Nam đã chuyển phát miễn phí đến cho bà con ở đây gần 2.000 giỏ đi chợ bằng nhựa sử dụng nhiều lần và gần 10.000 bao túi thân thiện với môi trường (tự hủy sau 3 tháng) cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Người dân khuyến khích đi chợ mang theo giỏ nhựa đựng hàng, thậm chí, nếu mang tô, mang ly theo, vận động bà con dùng các loại lá gói thực phẩm… Giờ đây, bên bãi biển này không còn… túi ni lông khó phân hủy.

Hành động của các cá nhân, tổ chức, khối doanh nghiệp cho thấy, bước đầu nhận thức về rác thải nhựa đã có chuyển biến. Để các phong trào này không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi" các đơn vị, tổ chức đã cam kết hàng năm sẽ sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện để có định hướng cho các năm tiếp theo.

Thư Kỳ