Thừa Thiên Huế: Nỗ lực chống rác thải nhựa

Thời sự - Ngày đăng : 10:23, 05/06/2019

(TN&MT) - Nhằm hạn chế những hậu quả khôn lường mà rác thải để lại đối với môi trường, ngoài phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được duy trì đều đặn nhiều tháng qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang có nhiều giải pháp thiết thực, trong đó “tuyên chiến” với rác thải nhựa bằng cách yêu cầu các cơ quan, đơn vị công sở trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần...
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở cũng như các cuộc họp, hội nghị...
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở cũng như các cuộc họp, hội nghị...

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, con người trên khắp hành tinh thải ra môi trường một khối lượng nhựa đủ để cuốn quanh Trái đất 4 lần khi có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. 

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc nước, ống hút...) trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng do khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hệ sinh thái. Còn khi đốt, chất thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Không sử dụng nước uống đóng chai trong các cuộc họp

Qua thống kê, chỉ riêng rác thải nhựa, ni lông, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 650 tấn thải ra môi trường. Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tại Thừa Thiên Huế, phong trào chống rác thải nhựa đang được diễn ra một cách tích cực. Trong đó, UBND tỉnh này vừa phát động và ký cam kết thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, hiện nay phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do tỉnh phát động ngày càng được mọi người hưởng ứng, lan tỏa có chiều sâu và đã mang lại nhiều kết quả tích cực ban đầu về bảo vệ môi trường. Tỉnh đã huy động hàng triệu lượt người từ cán bộ đến người dân xuống đường thu dọn vệ sinh, trồng cây xanh. 

Những chai thủy tinh như thế này góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và sự tồn tại của rác thải nhựa
Những chai thủy tinh như thế này góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và sự tồn tại của rác thải nhựa

“Chúng tôi mong muốn phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” cũng sẽ được lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để góp phần cho Thừa Thiên Huế ngày càng xanh- sạch- sáng. Hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, ông Thọ chia sẻ.

Trước mắt UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị công sở trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần (có dung tích từ 330-500 ml) trong công sở cũng như khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị hội thảo. Thay vào đó, chuyển sang sử dụng các bình nước có dung tích lớn trên 20 lít; hoặc tự đun nấu nước và sử dụng các bình lớn để sử dụng. Tỉnh cũng yêu cầu không sử dụng túi ni lông, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của các công sở và tại các hội nghị, hội thảo do các đơn vị này tổ chức.

Để thực hiện nghiêm túc, ông Phan Ngọc Thọ cũng chỉ đạo Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần, khó phân hủy. Đồng thời, Sở Tài chính cũng phối hợp với Sở TN&MT hướng dẫn cụ thể một số chủng loại sản phẩm, hàng hóa, vật dụng thay thế.

“Ngay lúc này, việc giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni lông đã trở thành yêu cầu hết sức cấp bách và cần được triển khai hành động ngay, trước hết phải bắt đầu từ việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường và sức khỏe của mỗi người. Để phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng và xã hội thì mỗi cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh phải cùng chung tay hành động, thay đổi thói quen, tư duy và nhận thức, phải là những người đi tiên phong trong việc  việc nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Những phong trào để bảo vệ môi trường đang lan tỏa sâu rộng tại Huế
Những phong trào để bảo vệ môi trường đang lan tỏa sâu rộng tại Huế

Trích xuất camera phạt người xả rác bừa bãi

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện thí điểm xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua hình ảnh trích xuất từ camera. Quá trình thực hiện sẽ triển khai theo lộ trình từ nhắc nhở để chấn chỉnh hành vi, công bố các hình ảnh vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.

“Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng phạt “nguội” về vi phạm môi trường, sau đó tỉnh sẽ tiến dần đến xử phạt “nguội” về vi phạm giao thông, an ninh trật tự đô thị… Do đó, ngoài hệ thống camera công cộng và hệ thống giám sát của Trung tâm điều hành đô thị thông minh, thì cũng cần có sự chung tay của cộng đồng dân cư để cung cấp các hình ảnh, tư liệu liên quan đến các vụ việc vi phạm để tiến hành xử lý”- ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.

Minh chứng cho điều trên, đầu tháng 5 mới đây, Công an TP. Huế đã tiến hành xử phạt các chủ thuyền rồng vô ý thức, rải vàng mã xuống sông Hương gây ô nhiễm, phản cảm. Sau đó còn xử phạt thêm nhiều trường hợp tương tự...

Để chống rác thải nhựa, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu Sở Công Thương trong tháng 6/2019 cùng với UBND huyện Phong Điền khẩn trương khảo sát, hỗ trợ sản xuất để đưa sản phẩm của làng nghề đệm bàng thay thế cho ống hút bằng nhựa; có giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vận động các đơn vị kinh doanh trong khu vực phố đi bộ, các đơn vị dịch vụ sử dụng ống hút thân thiện môi trường, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chính thức phát động Cuộc thi “Sáng tạo Xanh Thừa Thiên Huế 2019”, nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng chung tay hành động “Nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy”, “Chống rác thải nhựa” vì một Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng.

Các siêu thị ở Huế đã triển khai mô hình dùng lá chuối gói rau, củ... nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần...
Các siêu thị ở Huế đã triển khai mô hình dùng lá chuối gói rau, củ... nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần...

Lan tỏa...

Được biết hiện nay, các siêu thị ở Huế như Co.Opmart, Big C đã triển khai mô hình dùng lá chuối gói rau, củ... nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần.

“Kể từ đầu tháng 4, hơn 100 siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart trên toàn quốc, trong đó có Huế bắt đầu thử nghiệm dùng lá chuối để gói hơn 20 mặt hàng rau, củ. Nguồn lá chuối đang dùng tạm thời do Đoàn thanh niên của siêu thị kêu gọi từ sự đóng góp “cây nhà lá vườn” của cán bộ nhân viên siêu thị và được một nhóm chuyên trách “test” chất lượng đảm bảo vệ sinh trước khi nhập vào sử dụng. Sau này, toàn hệ thống sẽ có đầu mối chuyên cung cấp lá chuối và được kiểm nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh; đồng thời sẽ có thêm những sản phẩm đóng gói thân thiện từ lá dong, lá vả..., tạo điều kiện cho người trồng có thêm nguồn thu ổn định từ việc bán các loại lá này...”- bà Dương Thị Tuất, Giám đốc Siêu thị Co.Opmart Huế cho biết.

Theo đại diện Siêu thị Big C Huế, thời gian tới đơn vị sẽ đẩy mạnh việc đưa các loại bao bì dễ tiêu hủy, các loại bao bì hữu cơ từ một số loại lá, túi giấy vào đóng gói hàng hoá thay túi ni lông khó tiêu hủy.

Thời gian gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đã tích cực triển khai thực hiện mô hình “Nói không với túi ni lông, đi chợ bằng giỏ nhựa” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ trên địa bàn.

Cụ thể đã ra mắt 9 mô hình “Đi chợ bằng giỏ nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông” tại 9 xã đầm phá. Ngoài số giỏ nhựa cấp cho các chi hội để phân phát về cho các phụ nữ, nhiều chị em đã tự mua sắm, tự sử dụng để tích cực tham gia hưởng ứng mô hình này...

Văn Dinh