Biển miền Trung nói không với rác thải nhựa

Thời sự - Ngày đăng : 10:18, 28/05/2019

(TN&MT) - Nói không với rác thải nhựa để “giải thoát” loại rác thải nguy hiểm này được xem là đòn bẩy để thu hút du khách, đưa du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở các tỉnh miền Trung. Các tỉnh Nam Trung Bộ đang đi những bước đầu tiên để Hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa” được Bộ TN&MT phát động cũng như nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông…
NHUA 1
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy và tìm kiếm các sản phẩm thay thế

Những bước đi đầu tiên

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Nam, xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) mỗi năm hứng một lượng lớn rác thải ra môi trường. Rác thải từ biển tấp vào, rác thải sinh hoạt từ khu dân cư, rác thải từ những khách tham quan “quên” mang về khiến ghềnh đá Bàn Than của xã đảo này như một bãi chứa rác công cộng kéo dài hàng km.

Ô nhiễm môi trường khiến nhiều người ngậm ngùi bởi với sự nguyên sơ của Tam Hải nếu sạch đẹp sẽ rất hút khách. Theo người dân, những năm trước, khách du lịch đến đây khá đông do gần phố cổ Hội An. Do tình trạng rác thải, đã không còn ai ghé lại. Rác thải biển đang ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Tấn Hùng -  Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, địa phương đang lên kế hoạch đầu tư dự án phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, ép và vận chuyển rác thải quy mô liên xã. Bên cạnh đó, vận động các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cư dân vùng biển, hạn chế hành vi vứt rác bừa bãi ra khu vực công cộng, bãi biển, đường giao thông…

“Trước mắt, chúng tôi thường xuyên huy động lực lượng thanh niên, cựu chiến binh, người dân tham gia các đợt ra quân dọn bãi biển, tại các làng nghề cá tập trung ngư dân. Đặc biệt, hướng dẫn bà con thu gom, phân loại rác, không vứt bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa trực tiếp ra đại dương, hỗ trợ bà con các vật dụng chứa rác khi đi biển, cách tiêu hủy và đặt các điểm thu gom rác tại các khu dân cư nghề biển” - ông Hùng nói.

Thực hiện Công văn số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc tổ chức phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa”, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được triển khai đồng loạt, huy động sự tham gia của tất cả các đoàn thể, tầng lớp nhân dân, trong đó, công tác tuyên truyền và vận động tiến đến đến “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” được đưa lên hàng đầu. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy và tìm kiếm các sản phẩm thay thế; không sử dụng ly, cốc, bình nhựa sử dụng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị.

NHUA 2
Sắp tới, các Sở, ngành lĩnh vực TN&MT phải ký cam kết giảm chất thải nhựa trong công sở như không sử dụng chai nhựa thay bằng chai thủy tinh, sử dụng các vật dụng văn phòng thân thiện môi trường

Thực hiện cắt giảm sử dụng, đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, bao bì nhựa như túi giấy, túi ni lông dễ phân hủy, dùng lá chuối, lá dong,... tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện, cơ sở y tế, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các hội, đoàn thể, đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phân loại chất thải, cắt giảm sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy (vận động chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ; mang theo hộp để đựng thức ăn chế biến sẵn,….), triển khai nhân rộng mô hình phụ nữ nói không với túi ni lông trên toàn tỉnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chí được công nhận thân thiện với môi trường.

Tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Nổi bật là Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) với mô hình sử dụng túi ni lông thông minh. Hay như phụ nữ Công an tỉnh phát túi vải thân thiện với môi trường dùng nhiều lần để chị em đi chợ... Huyện Lý Sơn cũng phát động phong trào “Nói không với túi ni lông”, trong đó, An Bình là xã đầu tiên được chọn làm thí điểm thực hiện chủ trương này.... Phong trào “Vì Lý Sơn không rác thải nhựa” không chỉ thu hút các bạn trẻ mà còn lan tỏa rộng khắp, thu hút nhiều người dân địa phương tham gia.

Theo anh Trần Văn Quỳnh - người sáng lập nhóm “Vì Lý Sơn không rác thải nhựa”, thời gian qua, nhóm đã phối hợp với nhiều đơn vị đóng trên địa bàn huyện Lý Sơn và các đoàn khách tham quan tổ chức hơn 10 đợt vớt rác quanh khu vực đảo… Loại rác mà nhóm hướng đến là các loại rác thải nhựa, bao ni lông, khó phân hủy,… đang nằm dưới nước biển gần bờ, gây nguy hại cho các loài sinh vật biển. Các tình nguyện viên phải lặn xuống, khiêng lên chất trên bờ, nhiều rác thải là ngư lưới cụ của ngư dân không dùng đến.

“Trong kế hoạch dài hơi, nhóm sẽ tăng cường kết nối nhiều nguồn để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần, bao ni lông, các loại rác vải… Đồng thời, nhóm đang hướng đến việc thành lập đội thanh tra môi trường để thường xuyên nhắc nhở người dân và du khách nên bỏ rác đúng nơi quy định. Bởi, cho dù nhóm có thực hiện nhiều chương trình nhặt rác nhưng ý thức của người dân và du khách chưa cao, việc làm của chúng tôi cũng vô nghĩa” - anh Quỳnh chia sẻ.

Các hoạt động này mới ở chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, trong kế hoạch dài hơi Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi đang lấy ý kiến các Sở, ngành về Kế hoạch “Chống rác thải nhựa” trình UBND tỉnh theo Công văn của Bộ TN&MT. Bà Trần Thị Hạ Vũ - Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi hơi chậm so với các địa phương khác về Kế hoạch “Chống rác thải nhựa”. Sau khi tiếp nhận Công văn của Bộ TN&MT, Chi cục đã nhanh chóng lập kế hoạch trình UBND tỉnh nhưng khi gửi về các Sở, ngành, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về những chỉ tiêu đưa ra. Dự kiến kế hoạch này sẽ hoàn thành trước ngày 5/6/2019.

“Sắp tới, các Sở, ngành lĩnh vực TN&MT phải ký cam kết giảm chất thải nhựa trong công sở như không sử dụng chai nhựa thay bằng chai thủy tinh, sử dụng các vật dụng văn phòng thân thiện môi trường. Đồng thời, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giảm thiểu sử dụng túi ni lông của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh” - bà Trần Thị Hạ Vũ cho biết.

Xuân Lam - Lan Anh - Mỹ Bình