Chống rác thải nhựa không thể đơn lẻ: Nhìn ra thế giới
Thời sự - Ngày đăng : 16:25, 27/04/2019
Nhiều quốc gia đang dần loại bỏ các túi nhựa sử dụng một lần và rác thải nói chung. Với các chính sách như cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nhựa; tăng thuế đối với việc sản xuất, tiêu dùng túi nhựa; khuyến khích người dân thay đổi thói quen dùng túi nhựa thông qua các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Bangladesh là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nhựa năm (2002), sau khi phát hiện các túi nhựa là thủ phạm làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước của Bangladesh trong lũ lụt. Gần hai thập kỷ sau, hàng loạt quốc gia khác áp dụng lệnh cấm tương tự, gồm Pháp, Ấn Độ, Mali, Congo, Marốc, Papua New Guinea…
Ireland là nước đầu tiên ở Châu Âu áp dụng biện pháp hạn chế túi ni lông (5/2002). Mỗi túi ni lông trong siêu thị phải chịu mức phí 15 cent - euro đến 22 cent - euro (khoảng 4.000 đồng - 6.000 đồng). Sau khi áp dụng số lượng túi ni lông được sử dụng giảm khoảng 90%. Năm 2015, Anh ra quy định bắt buộc nếu sử dụng túi ni lông trong các siêu thị, cửa hàng phải nộp 5 xu, nhờ vậy, sau 3 năm, lượng tiêu thụ túi ni lông ở Anh giảm tới gần 90%; số túi ni lông trung bình mỗi người Anh sử dụng giảm từ 140 túi/người còn 19 túi/người. Tại Mỹ, cuối tháng 3/2019, các nghị sỹ Bang New York đã thông qua Luật Cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần. Luật sẽ chính thức có hiệu lực tại New York vào tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, một số quốc gia có những hình phạt rất nghiêm đối với việc sản xuất, lưu hành túi nhựa như: các nhà bán lẻ phát túi ni lông cho khách hàng ở Nam Phi có thể bị phạt 100.000 rand (tương đương 13.800 USD) hoặc chịu 10 năm tù giam; sản xuất, nhập khẩu túi nhựa ở Kenya có thể bị phạt tiền từ 19.000 - 38.000 USD hoặc ngồi tù 4 năm.
Tại Ấn Độ, chính quyền bang Maharashtra đã ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng, mua bán hay phân phối các vật liệu, đồ tiêu dùng được làm từ nhựa, đặc biệt là các món hàng hóa sinh hoạt như túi ni lông, thìa, bát đĩa nhựa loại dùng một lần. Hình phạt được quy định là 5.000 INR (khoảng 74 USD - hơn 1,5 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên, lần thứ hai phạt gấp đôi (10.000 INR - khoảng hơn 3 triệu đồng) và lần thứ ba lên tới 25.000 INR (khoảng 7,5 triệu đồng) cùng một án tù 3 tháng. Tháng 8/2018, New Zealand cấm việc sử dụng túi nhựa, đồng thời, quy định chủ các cửa hàng có thể bị phạt tới 67.500 USD nếu không chấp hành lệnh này trong vòng 6 tháng.
Tại Australia, hai chuỗi siêu thị lớn nhất Coles và Woolworths đã cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần tại các cửa hàng của họ trên toàn quốc, thay vào đó tặng miễn phí các túi thân thiện với môi trường nhằm giúp khách hàng thay đổi thói quen mua sắm. Các siêu thị lớn của Anh gồm Sainsburys, Tesco, Morrisons, Asda, Aldi và Ocado cam kết sẽ loại bỏ những túi nhựa bọc đồ dùng một lần không cần thiết ra khỏi các kệ hàng vào năm 2025. Từ tháng 10/2018, tại Hàn Quốc, ngoài các siêu thị thì các cửa hàng bán bánh kẹo cũng bị cấm cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng. Tại Mỹ, tháng 3/2019, tập đoàn bán lẻ Kroger tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn các túi nhựa vào năm 2025; tháng 4/2019, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart thông báo bắt đầu bán các túi có thể tái chế với giá 98 cent tại các điểm thanh toán tiền ở siêu thị.
Mới đây, Nghị viện Châu Âu cũng thông qua dự Luật cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trước 2021 trong phiên họp tại Pháp (27/3). Theo thông cáo báo chí do Nghị viện Châu Âu công bố, 560 nghị sĩ EU (MEP) đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này, 35 phiếu chống và 28 phiếu trắng. Đạo luật này sẽ giúp châu Âu tiết kiệm được 22 tỷ Euro - chi phí ước tính để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ở châu Âu đến năm 2030. Trên thực tế, các sản phẩm bị cấm trong luật mới này chiếm tới 70% số rác thải trên biển và điều này hy vọng sẽ giảm được sự nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm, giảm thiệt hại về môi trường đối với đại dương và các loài sinh vật biển.
Bên cạnh lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần, các quốc gia thành viên EU cũng đưa ra lời khẳng định cố gắng đạt mục tiêu thu gom 90% chai nhựa trước năm 2029. Chai nhựa sẽ phải chứa ít nhất 25% hàm lượng tái chế trước 2025 và 30% trước năm 2030. Đạo luật này cũng tăng cường việc áp dụng nguyên tắc "người gây ô nhiễm sẽ phải chịu trách nhiệm" bằng cách mở rộng trách nhiệm đối với các doanh nghiệp sản xuất.