Biển miền Trung: Nói không với rác thải nhựa - Đòn bẩy để thu hút du khách
Thời sự - Ngày đăng : 10:10, 04/05/2019
“Chống rác thải nhựa” - Trách nhiệm không của riêng ai
Thực hiện nhiệm vụ tại Công văn số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, UBND các tỉnh Miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành nhiều kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” ở địa phương mình.
Để có những bãi biển đẹp với những bãi biển cát mịn chạy dài, không có túi ni lông, UBND các tỉnh miền Trung cũng đã ban hành các Kế hoạch “Nói không với rác thải nhựa”, với các nội dung chính của phong trào gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông; xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế; huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi xử lý đúng quy định.
Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn cần tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải nhựa mỗi tháng 1 lần vào chiều thứ 6 mỗi tuần hàng tháng. Các địa phương cần lồng ghép chương trình ra quân thu gom, phân loại túi ni lông khó phân hủy và rác thải nhựa vào các đợt tổng vệ sinh môi trường định kỳ ít nhất 1 lần/tháng. Qua đó các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và các xã, phường, thị trấn cần phát động các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa hoặc các chương trình văn nghệ với chủ đề chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Phát hiện và lựa chọn các mô hình tiên tiến, hiệu quả để nhân rộng, đồng thời đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường.
Tại Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” tổ chức ngày 12/10/2018 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ rằng: Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. Chống rác thải nhựa là trách nhiệm không của riêng ai. Phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi ni lông khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ.
Tín hiệu vui từ các hành động thực tế
Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 3 về dân số của cả nước, có 102 km đường bờ biển với nhiều bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Lợi… Với lượng du khách hàng năm rất lớn.Tại địa phương này phong trào “Chống rác thải nhựa” được triển khai thực hiện khá sớm và đã có những hành động cụ thể. Giữa tháng 12/2018 tại bãi biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức lễ ra quân làm sạch biển, chống rác thải nhựa, làm cho thế giới sạch hơn. Hơn 500 đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại khu vực chợ Cột Đỏ, dọc bãi biển Sầm Sơn phường Quảng Vinh; phát các túi ni lông tự phân hủy sinh học và làn đựng đồ cho người tiêu dùng.
Nghệ An là tỉnh có 82 km đường bờ biển với các bãi tắm nổi tiếng như Quỳnh Phương, Bãi Lữ, Diễn Thành, Cửa Hiền, Cửa Hội và nổi tiếng nhất là bãi biển Cửa Lò.
Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng có bãi biển rất quan tâm công tác bảo vệ môi trường.
Tại lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” năm 2018, UBND thị xã Cửa Lò kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, trường học và nhân dân trên địa bàn hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon trong các hoạt động hàng ngày; các hộ gia đình cần phân loại rác triệt để để giúp công tác tái chế chất thải dễ dàng và triệt để hơn; tập trung làm sạch môi trường bãi biển, phát động phong trào bảo vệ môi trường ở cơ quan đơn vị qua đó làm cho thị xã Cửa Lò ngày càng xanh, sạch, đẹp. Thị xã Cửa Lò có phong trào ngày chủ nhật xanh, hàng năm tổ chức từ 5 đến 6 đợt tổng dọn vệ sinh môi trường với hàng nghìn lượt người tham gia; thực hiện việc đấu nối nước thải của các cơ sở, khách sạn, nhà hàng và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của thị xã; phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường quan trắc nước biển bãi tắm Cửa Lò, Cửa Hội 10 ngày/lần nhằm giám sát chất lượng nước biển để du khách tắm biển.
Mới đây, ngày 24/4/2019, tại bãi biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) Ban tổ chức các hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới 2019 đã tổ chức lễ ra quân “Chung tay bảo vệ môi trường biển”. Lễ ra quân này có hơn 500 đoàn viên, thanh niên đã tham gia đã tích cực triển khai thực hiện dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại khu vực bờ biển Nhật Lệ, Quang Phú.
Nhằm hướng đến việc tạo cho du lịch biển Đồng Hới trở thành điểm đến xanh -sạch- đẹp và hấp dẫn du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đoàn viên, thanh niên Đồng Hới, cùng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý các bãi tắm biển; lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ các xã, phường; các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khách sạn, nhà nghỉ đóng trên địa bàn bãi tắm Nhật Lệ, Bảo Ninh và Quang Phú cùng tham gia hưởng ứng.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với đường bờ biển trải dài 128km, có nhiều bãi biển đẹp như Thuận An (huyện Phú Vang), Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khác. Trước áp lực của rác thải nhựa thì dự án “Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” do Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) viện trợ đã thu được những kết quả khả quan. Dự án nhằm giúp tỉnh Thừa Thiên Huế cải thiện môi trường sinh thái, nhất là giảm thiểu và tái chế chất thải nhựa, thu gom rác thải trôi nổi trên sông, đặc biệt là nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác động tiêu cực của chất thải nhựa lên môi trường.
“Giải thoát” rác thải - Đòn bẩy hút du khách
Ông Nguyễn Văn Tiệm, Quyền Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), cho biết: Trong năm 2019, UBND huyện đã có kế hoạch tuyên truyền chống rác thải nhựa, túi ni lông. Đặc biệt là tại bãi biển Hải Tiến với hàng chục nghìn lượng du khách mỗi năm, lượng rác thải nhựa xả ra rất lớn. Vì vậy việc tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là du lịch biển. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách, hạn chế sử dụng các lại nhựa dùng một lần, túi ni lông để giữ môi trường sống đảm bảo và nhất là bãi biển sạch hơn.
Tại Hà Tĩnh sức hấp dẫn du khách đến tham quan, nghĩ dưỡng tại các bãi biển ngày một tăng lên. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ Du lịch Hà Tĩnh, trong dịp lễ 30/4 -01/5, Hà Tĩnh đón 535.000 lượt khách. Trong đó khách nội địa đạt 524.400 lượt người, và khách quốc tế đạt 10.600 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tại Nghệ An, lượng khách du lịch trên địa bàn toàn tỉnh chỉ tính riêng đợt nghỉ lễ vừa qua ước đạt trên 500.000 lượt. Trong đó, lượng khách lưu trú ước đạt trên 170.000 lượt, khách quốc tế gần 2.200 lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 280 tỷ đồng. Nổi bật, so với các điểm du lịch trên toàn tỉnh, thị xã Cửa Lò chiếm số lượng lớn du khách với hơn 400.000 lượt.
Theo ông Bùi Xuân Thập. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh để khai thác tiềm năng du lịch biển, tạo động lực cho kinh tế địa phương cần được nhìn nhận công bằng về ý thức bảo vệ môi trường. Muốn kinh tế phát triển từ hoạt động du lịch bền vững thì trước hết phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường bền vững, đặc biệt là phát triển du lịch biển. Môi trường trong sạch sẽ tạo được cảnh quan cuốn hút du khách, do đó, mỗi người dân tham gia trực tiếp các hoạt động thường xuyên tại khu vực biển, du khách cũng cần nâng cao ý thức cá nhân, cộng đồng về bảo vệ môi trường.