Tìm lời giải cho bài toán rác thải nhựa nơi đảo xa - Kỳ III: Để cộng đồng nhận thức đúng

Thời sự - Ngày đăng : 09:42, 23/04/2019

(TN&MT) - Muốn đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa, theo các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia cùng chung tiếng nói vì môi trường xanh - sạch và bền vững.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường: “Tuyên truyền vận động và dần bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn”

2204 Nguy n Th ng Hi n
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường

Nguồn gốc phát sinh rác thải trên đảo có mấy nguồn như: Từ cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ… của người dân trên đảo gây ra; từ hoạt động du lịch; từ hoạt động đánh bắt hải sản, nhất là khi tàu thuyền về đến các âu tàu, rác thải, túi ni lông… vẫn còn được nhiều người chưa có ý thức xả xuống biển, xả ra đảo; chất thải biển do các hoạt động trên biển, theo động lực biển xoáy bào đảo gây ra… Trong 4 loại này, có đến 70% lượng rác thải trên các đảo là do hoạt động trên đảo gây nên.

Hiện nay, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên các đảo đang là vấn đề khá lớn. Đây cũng là vấn đề không chỉ ở biển đảo và cả ở trên đất liền. Vậy để giải bài toán này, tôi nghĩ chính quyền, các đoàn thể trên đảo cần tập trung hướng dẫn tuyên truyền vận động và dần bắt buộc bà con trên đảo phải phân loại chất thải tại nguồn. Sau khi phân loại, rác hữu cơ sẽ được làm mùn hoặc sản xuất phân bón phục vụ ngay việc trồng cây trên đảo. Với các loại rác tái chế được, thu gom để bán cho các nhà máy tái chế; loại rác vô cơ khô tiến hành đốt và rác còn lại sẽ chôn lấp. Làm được như vậy, rác chôn lấp và rác cần phải đốt sẽ rất ít. Mô hình này đang được thực hiện trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, để giải bài toán rác thải trên đảo từ câu chuyện của Cù Lao Chàm, chúng ta đã có Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án kiểm soát túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Bên cạnh đó, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện chương trình này. Để làm được điều đó, tôi cho rằng, bên cạnh việc kiên quyết của Đảng bộ, chính quyền các cấp, việc vận động tuyên truyền người dân và du khách có ý thức trong việc bảo vệ môi trường nhất là phân loại rác thải tại nguồn và nói không với túi ni lông và chai nhựa dùng một lần là vô cùng cần thiết.

TS. Michael Parsons - Chuyên gia môi trường Australia: “Câu chuyện trên đảo Cù Lao Chàm đáng quan tâm và học hỏi”

T S Michael Parsons
TS. Michael Parsons - Chuyên gia môi trường Australia

Như chúng ta đã biết, ở các đảo nhỏ không chỉ ở Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới cùng đều gặp khó khăn về xử lý rác thải. Trên đảo, họ không có nhiều đất để chôn lấp và đồng thời, khi xử lý bằng phương pháp đốt cũng gây ô nhiễm môi trường.

Ở Việt Nam, có nhiều đảo như: Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Cát Bà… là những điểm du lịch hấp dẫn. Tuy vậy, các đảo cũng gặp vấn đề lớn về rác thải mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ khách du lịch và hoạt động du lịch. Hầu hết, khách du lịch đều yêu thích với loại hình du lịch biển đảo và nếu khách du lịch thiếu ý thức, tiện tay vứt túi ni lông, vứt rác ra biển, ra đảo rất nguy hại đến môi trường. Qua câu chuyện Cù Lao Chàm, tôi thực sự ấn tượng với việc từ tuyên truyền đến cấm hẳn túi ni lông ra đảo, điều này vô cùng tuyệt vời với môi trường trên đảo.

Bên cạnh đó, ở Cù Lao Chàm khi không có túi ni lông và rác thải nhựa, tôi tin giá thu gom và chi phí xử lý rác thải sẽ được giảm đi đáng kể. Khi không có túi ni lông trên đảo, hoạt động du lịch trên đảo Cù Lao Chàm không bị vướng bận bởi rác thải nhựa nữa. Không có túi ni lông dưới biển, khách du lịch mới có thể lặn để ngắm san hô, ngắm cá tung tăng bơi lội dưới biển được mà không bị túi ni lông vướng vào tầm nhìn. Ngoài ra, do không xử dụng túi ni lông nên ở Cù Lao Chàm đã và sẽ nổi tiếng với những sản phẩm lưu niệm làm từ cói, từ tre, sậy… là những sản phẩm ấn tượng và thu hút khách du lịch mang lại nguồn lợi cho người dân Cù Lao Chàm.

Thực tế, 13 năm làm công tác về bảo vệ môi trường cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và làm cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, tôi đã tham mưu cho Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ nhiều chính sách về bảo vệ môi trường đặc biệt là nói không với túi ni lông, với rác thải nhựa đại dương. Tôi nhận thấy, câu chuyện tiên phong trong bảo vệ môi trường và loại bỏ hoàn toàn túi ni lông trên đảo Cù Lao Chàm mà các bạn vừa đăng tải rất đáng quan tâm, không chỉ các đảo mà cả các địa phương ở đất liền cần học hỏi.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường Bộ TN&MT: “Công tác tuyên truyền cần được chú trọng hơn nữa”

DSC 2772
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ TN&MT

Trong thời điểm cả hệ thống chính trị và cộng đồng nhân dân trên cả nước đang chung tay phòng chống rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tăng cường các ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện, túi sinh thái; tăng cường tuyên truyền, vận đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, hạn chế rác thải nhựa… Tôi cho rằng, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những nhiệm vụ cần được chú trọng.

Là cơ quan phát động Phong trào Phòng chống rác thải nhựa, Bộ TN&MT đã thực hiện liên tục các hoạt động truyền thông về rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc; Bộ đã phát động Phong trào thi đua “Hành động đề giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành; Bộ TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông. Có hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt việc phong chào chống rác thải nhựa... Bên cạnh đó, Bộ TN&MT phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.

Hiện, chúng tôi đang tiến hành xây dựng và sớm triển khai nhiệm vụ “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về tác hại của chất thải túi ni lông khó phân hủy, phong trào chống rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường” giai đoạn 2019 - 2021 với mục tiêu chính là nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng người dân trong công tác phòng và chống ô nhiễm môi trường bởi chất thải túi ni lông khó phân hủy, rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng và thay thế túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa bằng các sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững. Tôi nghĩ, nếu chúng ta tuyên truyền tốt hơn nữa về thực trạng ô nhiễm môi trường do túi ni lông, nhựa dùng 1 lần; khuyến khích, vận động nhân dân hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy; giới thiệu những mô hình tiêu biểu về hạn chế, phòng chống, hay giải quyết ô nhiễm do nhựa và túi ni lông gây ra... chắc chắn mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt là người dân và du khách sẽ thay đổi nhận thức và hành động có ý thức hơn để giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo - Chủ tịch Câu lạc bộ Than Quảng Ninh: “Ngăn dần túi ni lông từ khi sản xuất”

2204 Ph m V n Tam
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo

Rác thải đảo là vấn đề bức xúc mà cả xã hội chưa giải quyết được. Kinh phí Nhà nước để xử lý rác thải cho một đảo như: Cát Bà (Hải Phòng), đảo Vân Hải (Quảng Ninh) Lý Sơn (Quảng Ngãi) Phú Quốc (Kiên Giang) Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)… đang rất thiếu. Điều quan trọng bây giờ, không có kinh phí để làm ra một máy chế biến hay một cái xưởng để xử lý rác thải. Vậy, ai là người hỗ trợ kinh phí? Theo tôi, mỗi đảo cần phải có những lò đốt rác thải quy mô nhỏ. Giải pháp đó sẽ nhanh và đảm bảo tính lâu dài hơn. Giống như các khách sạn 5 sao ở các nước tiên tiến như: Anh, Pháp, Italia… họ sử dụng một máy đốt dưới hầm. Chiếc máy chỉ khoảng 2 tỷ đồng mà dùng cho biết bao nhiêu con người hoạt động hàng ngày. Tôi nghĩ, nếu mỗi doanh nghiệp hỗ trợ ban đầu một  máy đốt nhỏ như vậy là giải pháp giải quyết vấn đề ngay từ gốc.

Một vấn đề khác, làm sao để trên đảo không có túi ni nông? Tôi nghĩ, ngoài việc quyết liệt như câu chuyện ở đảo Cù Lao Chàm, việc đầu tiên cũng là tiên quyết đó là cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay, các doanh nghiệp (sản xuất thực phẩm, đồ điện tử...) ngay từ đầu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường phải thay thế những phần bọc ni lông bằng túi vi sinh, giấy... Tập đoàn Asanzo của chúng tôi là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc loại ni lông khỏi sản phẩm ngay từ khi sản xuất, đóng gói bao bì. Khi chúng ta làm được việc không có túi ni lông, sau đó, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ máy nhỏ như vậy, còn rất ít rác phải đốt. Khi đó, người dân sẽ tự biết phải dùng nguyên liệu gì. Tóm lại, việc kêu gọi người dân không sử dụng túi ni lông chỉ là phần ngọn. Thay vào đó, nên kêu gọi doanh nghiệp sản xuất ý thức ngay từ đầu.

Việt Hùng - Lan Anh