Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi)
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:52, 16/10/2019
Trong chương trình phiên họp thứ 38, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đầu tư (sửa đổi). Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của Luật, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành sự cần thiết làm rõ phạm vi áp dụng, tránh chồng chéo, xung đột giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan có quy định về hoạt động đầu tư. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm bao quát hết các nội dung thuộc nội hàm hoạt động đầu tư kinh doanh; loại trừ các nội dung không thuộc nội hàm hoạt động đầu tư kinh doanh;rà soát các quy định về dự án đầu tư xây dựng, phân định rõ phạm vi áp dụng giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, tránh gây vướng mắc trong quá trình thực thi.
Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo Luật vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Đáng chú ý, với việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Do vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này; thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng tán thành việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề bảo đảm thực sự tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định cơ bản thống nhất và yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại các phạm vi điều chỉnh, kể cả vấn đề bổ sung, bãi bỏ, tránh những tác động không tốt đến tình hình đầu tư; tránh gây phức tạp hóa, tạo xung đột mới trong hệ thống pháp luật, nhất là liên quan đến các dự án đã triển khai, đang chuẩn bị triển khai...
Cùng với đó, rà soát lại sự thống nhất của Luật này với các luật có liên quan, tránh tạo ra mâu thuẫn mới, xung đột mới; đảm bảo khắc phục được những vấn đề có xung đột trước đây trong đầu tư. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.